Sản xuất nông nghiệp vùng Bắc quốc lộ 1A: Để tiềm năng, lợi thế được phát huy

Thứ Hai, 09/07/2018 | 16:28

Với điều kiện sinh thái đặc thù, Bạc Liêu có hai vùng sản xuất lớn là vùng sản xuất phía Nam và vùng sản xuất phía Bắc quốc lộ 1A (QL1A). Nếu vùng sản xuất phía Nam QL1A chỉ độc canh con tôm, thì vùng sản xuất phía Bắc QL1A lại đa dạng về mô hình sản xuất và có 2 tiểu vùng: sinh thái ngọt và sinh thái lợ. Đây vừa là lợi thế để phát triển mô hình đa cây, đa con, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khi hạ tầng thủy lợi ở vùng này chưa được xây dựng hoàn chỉnh.

Nông dân huyện Phước Long cấy lúa trên đất nuôi tôm.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm trên đất trồng lúa. Ảnh: K.T

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Sau sự việc người dân tự phá cống Láng Trâm dẫn nước mặn vào nuôi tôm từ năm 2001, nông dân vùng sản xuất phía Bắc QL1A bắt tay vào chuyển đổi sản xuất và hình thành nên 2 vùng sinh thái. Đó là tiểu vùng chuyển đổi sản xuất (sinh thái lợ) có diện tích tự nhiên 75.600ha; trong đó đất nuôi trồng thủy sản 57.539ha (tôm - lúa 28.000ha, đất chuyên nuôi trồng thủy sản khác 29.539ha) và các loại đất khác 18.061ha. Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc QL1A (sinh thái ngọt) có diện tích tự nhiên 80.600ha; trong đó đất chuyên lúa 53.889ha và các loại đất khác 26.711ha.

Cùng với sản xuất lúa, ở tiểu vùng sinh thái lợ người dân còn phát triển nghề nuôi tôm (mô hình lúa - tôm), xem đây là nguồn thu nhập chính. Qua đó giúp nông dân phá thế độc canh cây lúa và phát triển thêm các mô hình khác cùng với con tôm như: mô hình tôm - lúa - cá, tôm - màu, tôm - tràm…

Tuy nhiên, cùng với những nguồn lợi mang lại, việc phát triển con tôm và cây lúa cũng gặp nhiều khó khăn khi con tôm sống trong môi trường nước mặn, còn cây lúa thì cần nước ngọt. Bài toán tranh chấp mặn - ngọt vẫn chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu và trở nên phức tạp hơn khi phải đối diện với những thay đổi cực đoan của thời tiết, nhất là ảnh hưởng từ quá trình biến đổi khí hậu.

Khảo sát hệ thống thủy lợi ở vùng Bắc QL1A sẽ thấy hàng loạt khó khăn mà vùng sản xuất này phải đương đầu. Một trong những khó khăn cơ bản là hạ tầng thủy lợi chưa được xây dựng hoàn chỉnh, phần lớn còn chắp vá.

Hệ thống cống đầu mối nằm dọc QL1A được xây dựng từ những năm trước. Sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, hệ thống cống này chủ yếu phục vụ cho phát triển cây lúa. Song, từ khi chuyển đổi sản xuất đến nay, hệ thống cống này phải đảm nhận thêm chức năng cho phát triển nuôi tôm! Do vậy, quá trình vận hành các cống luôn gặp khó khăn vì không phù hợp với thiết kế kỹ thuật (chủ yếu là xả nước), gây khó khăn trong việc lấy nước mặn nuôi tôm.

Bên cạnh đó, nhiều nơi chưa xây dựng hệ thống thủy lợi khép kín. Nếu thực hiện không tốt lịch điều tiết nước thì sẽ dẫn nước mặn vào vùng ngọt gây chết lúa; còn nếu không dẫn nước mặn vào thì ảnh hưởng đến nuôi tôm. Nước mặn phục vụ cho phát triển con tôm trên đất lúa gần như bị động.

Về nguồn nước ngọt, Bạc Liêu là tỉnh cuối cùng thuộc Bán đảo Cà Mau thừa hưởng một phần nước ngọt từ lưu vực sông Mê Kông. Thế nhưng, do quá xa nguồn nước ngọt nên vào mùa khô, vụ lúa đông xuân của tỉnh thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt khi tăng vụ và bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào tiểu vùng giữ ngọt ổn định. Cụ thể, đợt hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2015 - 2016 đã làm hơn 14.721ha lúa trong tỉnh bị thiệt hại, ước tính trên 164 tỷ đồng (chiếm 1,6% GDP của tỉnh).

CẦN TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Một trong những giải pháp hiện nay mà ngành Nông nghiệp tỉnh cần làm là xây dựng lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản, trồng trọt theo hướng mở cho từng năm phù hợp với diễn biến của thời tiết; tiếp tục nghiên cứu, chuyển đổi mô hình, lựa chọn cây trồng, vật nuôi mới thích ứng từng tiểu vùng sinh thái. Từ đó tăng tính chủ động ứng phó và giảm thiệt hại cho nông dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng mà trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng âu thuyền Ninh Quới để chủ động điều tiết nước. Song song đó, đầu tư cải tạo hệ thống kênh mương từ các nguồn vốn. Trong đó, chú trọng xây dựng các trạm bơm nước kết hợp xây các ô đê bao khép kín với quy mô vừa và nhỏ. Phát động nông dân ra quân làm thủy lợi - thủy nông nội đồng để từng bước xã hội hóa công tác thủy lợi. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng cho vùng lúa - tôm theo hướng khép kín các ô lớn (7.000 - 10.000ha) ở từng khu vực để chủ động cấp, thoát và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt. Trong đó, khu vực Bắc QL1A huyện Hồng Dân xây dựng khép kín theo hướng chủ động lấy được nguồn nước mặn từ triều biển Tây (Kiên Giang) và triều biển Đông (Cà Mau) để có nước mặn cho sản xuất lúa - tôm.

Năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) ban hành Nghị quyết 05/NQ-TU về phát triển vùng phía Bắc QL1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và đây là lực cản chính kìm hãm phát triển sản xuất. Do vậy, để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng sản xuất này, việc phát triển hạ tầng phải được ưu tiên thực hiện.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.