Quyết liệt khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi

Thứ Hai, 03/06/2019 | 17:00

Sau một thời gian nỗ lực phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi, mới đây, trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi đã xuất hiện loại dịch bệnh. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác phòng chống, không để bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng.

Cán bộ thú y huyện Vĩnh Lợi phun thuốc sát trùng vệ sinh chuồng trại (ảnh trên) và đưa heo bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: M.Đ

XUẤT HIỆN BỆNH DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI

Theo UBND huyện Vĩnh Lợi, ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên được phát hiện tại hộ ông Phạm Văn Mười (ấp B1, xã Châu Thới) với 7 con heo nái mắc bệnh và chết. Cơ quan chức năng lập tức lấy mẫu xét nghiệm và ngày 1/6/2019 cho biết đàn heo dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi. Cũng trong ngày 1/6, đàn heo của hộ ông Tiền Văn Út (ấp B1, gần nhà ông Mười) gồm 94 con cũng mắc bệnh. Hộ ông Nguyễn Văn Tựa (ấp Nhà Dài A, xã Châu Hưng A) cũng có 89 con heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi và chết.

Chiều 1/6, hộ chăn nuôi ở ấp Mặc Đây (thị trấn Châu Hưng) có 22 con heo bệnh, và một hộ ở ấp Phước Thạnh 2 (xã Long Thạnh) có khoảng 60 con heo mắc bệnh và chết. Cơ quan thú y đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

Theo ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi: “Toàn huyện có đàn heo gần 28.000 con, tập trung nhiều ở xã Châu Thới và Châu Hưng A. Sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn, huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiêu hủy heo bệnh theo quy định. Đồng thời lập các chốt kiểm tra việc vận chuyển, mua bán heo ra vào vùng dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan”.

KHOANH VÙNG DẬP DỊCH

Sáng 2/6/2019, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra ổ dịch tả heo châu Phi ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi).

Sau khi kiểm tra thực tế, lãnh đạo tỉnh có buổi làm việc với huyện Vĩnh Lợi, chỉ đạo huyện và ngành Thú y nhanh chóng bao vây, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, không để dịch lây lan. Tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không tăng đàn; tổ chức tiêu độc sát trùng vùng dịch trong bán kính 3km.

Chỉ đạo các địa phương sát trùng chuồng trại, khu vực có dịch, quản lý các hố chôn heo bệnh, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dập dịch. Tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi trong công tác chống dịch; các hộ chăn nuôi phải báo ngay với chính quyền địa phương khi có heo bệnh, không được bán chạy heo. Việc hỗ trợ heo bị tiêu hủy thực hiện theo quy định, không để người chăn nuôi bị thiệt thòi. Tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc.

Các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch. Ngành NN&PTNT nhanh chóng khoanh vùng, khống chế dịch bệnh; tăng cường công tác tuần tra, giám sát; lập các chốt ngăn chặn, kiểm soát khâu vận chuyển heo ra vào vùng dịch trên đường bộ và đường thủy; đồng thời tiến hành tiêu độc, sát trùng trên diện rộng.

MINH  ĐẠT

-----------------------------------------------

Không để dịch lây lan trên diện rộng

Trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn ngừa, khống chế, không để dịch lây lan trên diện rộng. Xung quanh vấn đề này, ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho biết:

Toàn tỉnh đang thực hiện chống dịch khẩn cấp với nhiều giải pháp. Đối với các huyện, thị, thành phố chưa có dịch phải thực hiện kịch bản xem như có dịch xảy ra, từ đó kiên quyết tổ chức phòng chống.

Chi cục CN&TY tỉnh đang rà soát lại tổng đàn heo; nắm cụ thể từng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các gia trại, trang trại để giám sát dịch bệnh. Nếu phát hiện heo mắc bệnh thì kịp thời tiêu hủy và thực hiện hỗ trợ theo quy định của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các hộ đầu tư nuôi heo theo mô hình an toàn sinh học; hạn chế người lạ ra vào chuồng trại; tổ chức sát trùng tiêu độc định kỳ chuồng trại; tiêu độc sát trùng lần hai trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, mua bán heo, sản phẩm từ heo vào tỉnh; khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn trong giai đoạn này.

Đối với xã có dịch, khi có heo bệnh thì tiêu hủy ngay mà không lấy mẫu xét nghiệm. Đối với xã chưa có dịch, khi có heo bệnh phải lấy mẫu gửi xét nghiệm theo quy định. Phải khoanh vùng dịch, xác định vùng uy hiếp; tăng cường sát trùng ổ dịch, sát trùng khu vực xung quanh khu vực có dịch một tuần 3 lần. Thành lập các chốt kiểm soát việc mua bán, vận chuyển heo từ vùng dịch ra bên ngoài. Đối với các hố chôn heo bệnh, địa phương phải kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường.

PV: Xin ông cho biết các triệu chứng heo mắc bệnh dịch tả châu Phi?

Ông Trương Phước Thông: Triệu chứng của bệnh dịch tả heo châu Phi cũng gần giống với bệnh dịch tả cổ điển trước đây. Song, nó có khác biệt là dịch tả heo châu Phi phát bệnh rất nhanh và lây lan trên diện rộng. Heo bị mắc bệnh sốt cao, bỏ ăn, vùng da non ửng đỏ và chết rất nhanh. Bệnh dịch tả heo châu Phi không có thuốc đặc trị và không có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, phòng bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ bằng cách chăn nuôi theo an toàn sinh học.

PV: Xin cảm ơn ông!

MINH  ĐẠT (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.