Phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A: Làm gì để tăng khả năng thích ứng?

Thứ Hai, 19/11/2018 | 15:14

So với các địa phương khác, vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A (QL1A) có điều kiện tự nhiên khá đặc thù. Nghĩa là vừa có thể sản xuất 3 vụ lúa/năm, nhưng cũng có thể phát triển con tôm cùng với cây lúa. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp mặn, ngọt giữa con tôm và cây lúa; theo đó việc vận hành, đầu tư hạ tầng thủy lợi cũng đặt ra nhiều thách thức. Vậy làm gì để giải quyết hài hòa sự mâu thuẫn mang tính nội tại này?

 Nông dân huyện Vĩnh Lợi bơm nước chống hạn mặn cho cây lúa.

SỐNG CHUNG VỚI MẶN, NGỌT

Với hai vùng sinh thái đặc thù là vùng ngọt ổn định chuyên sản xuất từ 2 - 3 vụ lúa/năm và vùng lợ phục vụ cho phát triển con tôm, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản  hơn 137.250ha (chiếm trên 50% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh). Trong đó, mô hình sản xuất lúa - tôm được xem là mô hình tiêu biểu và đặt ra nhiều thách thức trong việc giải quyết hài hòa bài toán thủy lợi. Đó là khi dẫn mặn vào phục vụ cho nuôi tôm sẽ làm ảnh hưởng đến vùng chuyên lúa, còn ngược lại sẽ không có nước mặn cho phát triển con tôm. Trong khi con tôm là nguồn thu nhập chính của người nông dân.

Trong những năm gần nay, do ảnh hưởng cực đoan từ quá trình biến đổi khí hậu nên việc vận hành hệ thống thủy lợi càng thêm khó khăn hơn. Cụ thể là hiện nay chưa dứt mùa mưa, nhưng tình trạng xâm nhập mặn đã bắt đầu xuất hiện ở vùng chuyển đổi sản xuất. Đơn cử, địa bàn huyện Hồng Dân trong tháng 11/2018 đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn ở 2 xã: Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A, với độ mặn đã vượt hơn 5%o và làm ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích sản xuất lúa trên đất tôm đã xuống giống hơn 23.500ha. Nếu tình trạng xâm nhập mặn còn kéo dài, cộng thêm thời gian chuẩn bị bước vào mùa khô thì diện tích sản xuất lúa trên đất tôm bị thiệt hại là khó tránh khỏi, nhất là khi xảy ra hạn mặn.

Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, khi Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Quốc gia dự báo bước sang tháng 12/2018 và kéo dài cho đến tháng 4/2019, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL sẽ xuất hiện sớm hơn mùa khô năm trước, do tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mê-kông giảm và thiếu hụt so với trung bình năm khoảng 20%, mực nước ở khu vực ĐBSCL sẽ thấp hơn trung bình năm từ 0,1 - 0,3m.

Từ dự báo và thực trạng trên cho thấy, mùa khô năm nay vùng sản xuất phía Bắc QL1A sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức và việc “giải khát” cho con tôm và cả cây lúa không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện hạ tầng thủy lợi vùng Bắc vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Với những thách thức đặt ra cho sản xuất ở vùng Bắc QL1A, việc nghiên cứu và xây dựng một kịch bản “sống chung với mặn, ngọt” và từng bước tăng tính chủ động, thích nghi là nhu cầu không thể thiếu cho phát triển bền vững. Bởi thực tiễn cho thấy, biến đổi khí hậu đã ngoài tầm kiểm soát và khả năng dự báo của ngành quản lý. Như vụ mùa vừa qua, do ảnh hưởng mưa trái mùa, nước sông Hậu về nhiều hơn mọi năm nên đã làm cho hàng chục ngàn héc-ta sản xuất lúa - tôm không đủ mặn để nuôi tôm…

Thời tiết và khí hậu thay đổi đã gây xáo trộn đến phát triển sản xuất, nhất là khi lịch thời vụ bị phá vỡ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Như thiếu mặn nuôi tôm buộc ngành Nông nghiệp phải điều tiết nước mặn, nhưng khi điều tiết sẽ gây nhiễm mặn vùng chuyên sản xuất lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng và chuẩn bị thu hoạch!? Hay thiếu mặn hoặc xảy ra khô hạn phải điều chỉnh lịch thời vụ trong việc tập trung xuống giống cho con tôm, cây lúa và làm ảnh hưởng đến các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa khác…

Cải tạo đồng ruộng cho sản xuất lúa - tôm ở huyện Hồng Dân. Ảnh: L.D

HÓA GIẢI BÀI TOÁN: MẶN - NGỌT

Xuất phát từ vị trí  Bạc Liêu là tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Hậu, vì vậy lượng nước ngọt từ sông Hậu chảy về rất hạn chế (nhất là vào mùa khô). Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu dễ bị xâm nhập mặn trực tiếp từ tác động của triều biển Đông (phía Cà Mau) và triều biển Tây (phía Kiên Giang), nghiêm trọng có năm xâm nhập mặn ăn sâu vào nội đồng hơn 90km và được coi là chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Thêm vào đó, hệ thống các cống ngăn mặn (cửa van composite) đã xây dựng trước đây xuống cấp, có nguy cơ vỡ cửa van bất cứ lúc nào nếu mực nước phía thượng và hạ lưu chênh lệch cao. Hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng bị bồi lắng nhanh, không đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất, thiếu kinh phí để duy tu, nạo vét theo định kỳ… Những bất cập trên chính là thách thức không nhỏ cho phát triển bền vững của vùng sản xuất phía Bắc QL1A.

Một trong những mục tiêu chiến lược cho phát triển kinh tế vùng Bắc QL1A hiện nay chính là tập trung phát triển mô hình sản xuất lúa - tôm, với kế hoạch đến năm 2020 đạt khoảng 40.000ha và đến năm 2025 đạt hơn 43.000ha, với năng suất phấn đấu đạt 1 tấn/ha. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này và đưa mô hình sản xuất lúa - tôm trở thành mô hình “thông minh” thích ứng với biến đổi khí hậu và từng bước hóa giải các thách thức đặt ra cho phát triển sản xuất ở vùng Bắc hiện nay chính là tăng cường đầu tư cho hệ thống thủy lợi. Đến nay, vùng Bắc vẫn chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, tình trạng thiếu nước ngọt rửa mặn để phục vụ cho trồng lúa, hoặc thiếu nước ngọt bổ sung vào cuối vụ lúa trong mùa khô. Vì thế, cần đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng cho vùng lúa - tôm theo hướng khép kín các ô lớn (7.000 - 10.000ha) ở từng khu vực để chủ động trong việc cấp, thoát và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt.

Riêng đối với khu vực giáp nước giữa triều biển Đông và triều biển Tây (khu vực Bắc Hồng Dân) có diện tích khoảng 6.000ha cần được đầu tư xây dựng khép kín theo hướng chủ động lấy được nguồn nước mặn từ triều biển Tây có độ mặn thấp để sớm có nước mặn nuôi tôm và sản xuất theo mô hình lúa - tôm (vì hiện nay, khu vực này đến đầu tháng 3 mới có nước mặn nuôi tôm).  

Đặc biệt, đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định của tỉnh chuyên sản xuất lúa về cơ bản đã được khép kín. Song, ở tiểu vùng này luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt để sản xuất trong mùa khô. Vì vậy cần bố trí, xây dựng lịch thời vụ linh hoạt để hạn chế thiệt hại do các diễn biến bất thường của thời tiết; khẩn trương xây dựng cống Ninh Quới (kết hợp âu thuyền) để khống chế không cho mặn xâm nhập lên Ngã Năm - Sóc Trăng trong mùa khô. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng các ô thủy lợi khép kín kết hợp với xây dựng các trạm bơm điện 3 pha. Đồng thời, tiếp tục phát động nhân dân tham gia tích cực làm thủy lợi - thủy nông nội đồng, nhằm từng bước xã hội hóa và làm tăng khả năng chủ động…

Ngoài những giải pháp công trình trên, cũng cần các giải pháp phi công trình để tăng tính chủ động và ứng phó với sản xuất ở vùng Bắc như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng lịch thời vụ linh hoạt, thay đổi cơ cấu giống có khả năng thích nghi cao, chịu hạn mặn, tổ chức và tiếp tục quy hoạch lại sản xuất…

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.