Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030: Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu

Thứ Hai, 12/11/2018 | 16:20

Thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bạc Liêu phát triển nghề chăn nuôi. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán và gây ô nhiễm môi trường.

Chăn nuôi vịt an toàn sinh học (ảnh trên) và một gia trại nuôi heo ở huyện Hồng Dân. Ảnh: T.A

Những năm gần đây, quy mô đàn gia súc trong tỉnh có xu hướng giảm, đàn gia cầm có chiều hướng tăng. Đàn gia súc giảm là do giá con giống, thức ăn, thuốc thú y tăng cao; các loại dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp; giá bán thấp so với giá thành sản xuất (khoảng 10.000 đồng/kg) làm nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ và ngại tái đàn. Riêng mô hình chăn nuôi động vật hoang dã, nhất là cá sấu phát triển ổn định; các loại động vật hoang dã khác như ba ba, cua đinh, trăn, rắn, kỳ đà, nhím... giảm gần 50% so với trước đây.

Tuy quy mô chăn nuôi có giảm, nhưng việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đơn cử như Trại sản xuất giống chăn nuôi của tỉnh mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 2.300 con heo giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu thay thế đàn heo giống bố mẹ của người chăn nuôi; tỷ lệ nạc hóa đàn heo đạt 85% với các giống chủ lực như: Yorkshire, Landrace, Duroc… Đồng thời đưa các giống gia cầm chất lượng cao vào chăn nuôi như: gà Lương Phượng, vịt Anh Đào, vịt siêu thịt…

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đã nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế chăn nuôi gắn với các mô hình sản xuất kết hợp như mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học kết hợp với ao nuôi cá. Qua đó xây dựng vùng nuôi an toàn, quản lý tốt dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch cúm gia cầm. Cùng với đó là tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế (sau 50 - 55 ngày nuôi vịt đạt trọng lượng bình quân trên 3kg/con).

Mỗi năm ngành Chăn nuôi tỉnh cung cấp cho thị trường gần 40.000 tấn thịt hơi, trên 50 triệu quả trứng và trên 2.000 tấn sản phẩm động vật hoang dã, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã quy hoạch và bước đầu hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm. Đó là vùng chăn nuôi heo, gia cầm được bố trí ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A; vùng chăn nuôi bò ở xã Vĩnh Trạch và xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu); vùng nuôi cá sấu ở các địa bàn trong tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển mạnh ở các huyện: Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Đông Hải và TX. Giá Rai; vùng nuôi chim yến được bố trí ở khu vực ven biển…

Để phát triển ngành Chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ (còn nằm trong các khu dân cư) cần áp dụng các mô hình kết hợp nhằm hạn chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó, mô hình vườn - ao - chuồng kết hợp với xây hầm biogas đã chứng minh tính hiệu quả. Tăng cường đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất trang trại có quản lý gắn với liên kết chuỗi như mô hình chăn nuôi heo của Công ty CP, hoặc chăn nuôi cá sấu kết hợp với chế biến của doanh nghiệp Phương Tín (huyện Phước Long).

Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2020 phát triển đàn gia súc, gia cầm bảo đảm đủ số lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh; đến năm 2030 đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu. Do vậy, cần xây dựng các mô hình chăn nuôi mang tính đột phá, trong đó, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP làm khâu bứt phá để hoàn thành mục tiêu này.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.