Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao: Cần tăng cường đầu tư hạ tầng

Thứ Hai, 18/06/2018 | 16:20

Hiện nay, Bạc Liêu là địa phương điển hình về phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Với sản lượng đạt hơn 100.000 tấn/năm, Bạc Liêu là địa phương có sản lượng tôm đứng thứ hai cả nước (chỉ sau tỉnh Cà Mau). Song, cùng với những lợi nhuận từ con tôm mang lại, nghề nuôi tôm cũng đặt ra nhiều thách thức.

Giới thiệu sản phẩm phục vụ nuôi tôm tại Hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm năm 2018. Ảnh: T.A

Thời gian qua, nghề nuôi tôm không những mang lại giá trị kinh tế gần 500 triệu USD/năm, mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động của tỉnh. Cùng với sự phát triển của nghề nuôi tôm, Bạc Liêu còn là trung tâm sản xuất tôm giống với sản lượng 25 tỷ con giống/năm, chiếm 50% của vùng ĐBSCL. Đây là những tiền đề rất thuận lợi cho phát triển nghề nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai và bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi. Điển hình là mô hình nuôi tôm công nghệ cao có kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước. Hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí lại hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, chứa nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải (biogas)...

Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tôm nuôi ít bị bệnh dịch, tỷ lệ thành công của mô hình chiếm từ 85 - 90%. Năng suất trung bình đạt từ 10 - 38 tấn/ha đất canh tác (80 - 100 tấn/ha mặt nước nuôi/năm 3 vụ đối với ao đất lót bạt và 150 - 180 tấn/ha mặt nước nuôi/năm 3 vụ đối với hình thức nuôi trên hồ tròn).

Tuy nhiên, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hiện nay cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn như: hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều kênh nội đồng bị bồi lắng; nguồn điện chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nuôi tôm; mô hình đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn; phần lớn người nuôi tôm không đủ điều kiện vay vốn, khó tiếp cận các chương trình tín dụng... Đặc biệt, mô hình ứng dụng công nghệ cao có lượng nước thải, chất thải ra môi trường rất lớn, trong khi các hộ nuôi chưa có hệ thống xử lý chất thải hữu hiệu, gây nguy cơ làm ô nhiễm môi trường...

Theo kỹ sư Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để tháo gỡ những khó khăn và phát triển nghề nuôi tôm bền vững, cần rà soát, quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nhằm kiểm soát độ mặn của nước và các chỉ tiêu chất lượng nguồn nước cho vùng nuôi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh cần có những chỉ đạo cụ thể để giúp người nuôi tôm dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Bởi, đa phần người nuôi tôm hiện nay gặp khó khăn về vốn, tài sản đã thế chấp ngân hàng, trong khi mức đầu tư cho nuôi tôm công nghệ cao khá lớn (khoảng 0,8 - 1 tỷ đồng/ha). Nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải nuôi tôm bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến cáo người dân thực hiện quy trình nuôi tôm khai báo: khai báo thả giống, khai báo khi bị thiên tai, dịch bệnh và tuân thủ các quy định hiện hành để được xem xét hỗ trợ khi bị thiệt hại. Tiếp tục triển khai thực hiện cấp mã số cho các cơ sở, vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các khu vực trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi thủy sản và đề xuất giải pháp khắc phục dịch bệnh và ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi, cơ sở nuôi thủy sản. Tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh; làm tốt công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng chống bệnh dịch thủy sản. Đồng thời, hướng dẫn bà con nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, quản lý tốt môi trường ao nuôi và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi...

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.