Nông nghiệp - nông thôn - nông dân: Không ngừng đổi mới và phát triển

Thứ Hai, 29/04/2019 | 17:07

Một trong những thành tựu quan trọng sau 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là sự phát triển của nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Việc ban hành chính sách phát triển “tam nông” của Đảng và Nhà nước đã giúp nền nông nghiệp và nông thôn Bạc Liêu không ngừng đổi mới và phát triển.

Xây dựng lộ giao thông nông thôn ở huyện Phước Long.

Mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái cho thu nhập cao của nông dân huyện Phước Long. Ảnh: L.D

Những thành tựu nổi bật

Sau 44 năm thống nhất đất nước, với phong trào khẩn hoang, cải tạo lại ruộng đất và khắc phục hậu quả sau chiến tranh, những hố bom, chiến hào và những vùng bị bỏ hoang hóa nay trở thành những ruộng lúa, đầm tôm và những trang trại bạt ngàn. Việc tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi đã phá thế độc canh trong sản xuất và hình thành nên những mô hình sản xuất kết hợp mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Riêng vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A cũng có hàng chục mô hình sản xuất như: lúa - cá, lúa - tôm, lúa - màu, tôm càng xanh, cá sấu, le le, ba ba, rắn, cây ăn trái… Chương trình ngọt hóa vùng bán đảo Cà Mau đã giúp nông dân làm 2 - 3 vụ lúa/năm, năng suất bình quân hơn 7 tấn/ha, thu nhập bình quân của nông dân gần 40 triệu đồng/người/năm.

Cùng với phát triển thủy lợi, phong trào xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới đã mở ra nhiều hướng đi cho phát triển nông nghiệp - nông thôn. Chỉ tính riêng về xây dựng các công trình giao thông nông thôn, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp và sửa chữa 2.200 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 5.086km, xây 2.706 cây cầu với tổng kinh phí đầu tư trên 1.188 tỷ đồng. Huy động trên 334.730 ngày công và hàng trăm tỷ đồng từ việc hiến đất của nhân dân cho các công trình chung.

Trong lĩnh vực đầu tư lưới điện, toàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 25 tuyến công trình điện, tổng vốn thực hiện 183,60 tỷ đồng, phục vụ cho 15.811 hộ dân (trong đó có 5.534 hộ dân tộc Khmer). Hiện có 42/49 xã có hệ thống điện đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 85,71%), tỷ lệ hộ dùng điện ở khu vực nông thôn đạt 96,4%. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh cũng xây dựng và bàn giao 7.326 căn nhà cho đối tượng là hộ nghèo, hộ chính sách với tổng kinh phí 219.780 triệu đồng…

Việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp - nông thôn đã tạo nên những tiền đề và hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

ĐỘT PHÁ MỚI CHO NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN BẠC LIÊU

Từ nay đến năm 2030, Bạc Liêu đề ra mục tiêu chung là: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và xây dựng kế hoạch cơ cấu lại trong nội bộ ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, góp phần đảm bảo phát triển bền vững. Đầu tư khai thác theo chiều sâu về tiềm năng và thế mạnh của sản xuất nông nghiệp; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh và nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Tập trung xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời ưu tiên phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó có nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản với mũi nhọn là con tôm; phát triển nông nghiệp hiện đại; phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo...

Để hoàn thành mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đảm bảo tiến độ xây dựng các công trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai và các dự án thuộc chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh (vùng Nam  QL 1A, các dự án hạ tầng vùng sản xuất tôm - lúa (tiểu vùng chuyển đổi sản xuất vùng phía Bắc QL1A). Kịp thời khống chế, dập tắt các loại dịch bệnh nguy hiểm đối với cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông, ngư dân.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản xuất trên cả 2 vùng Nam và Bắc QL1A. Cụ thể, vùng Nam QL1A sẽ xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị tôm, triển khai Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất tôm giống, từng bước xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín của vùng ĐBSCL. Nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín, nhà lưới, nhà màng, nuôi tôm sạch, nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng. Xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc.

Vùng Bắc QL1A sẽ tập trung phát triển lúa chất lượng cao tại tiểu vùng sinh thái ngọt ổn định và phát triển các mô hình tôm - lúa, lúa chịu mặn đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất (sinh thái lợ). Nghiên cứu tính hiệu quả của mô hình sản xuất tôm - lúa với sản xuất lúa ổn định; khảo sát có định hướng để chuyển dần sang sản xuất tôm - lúa ở một số khu vực thích hợp, đủ điều kiện sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm ổn định phát triển chăn nuôi như: tái cơ cấu đàn vật nuôi theo lợi thế từng tiểu vùng sinh thái và nhu cầu thị trường; khuyến khích chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại, trang trại gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Hướng dẫn các tổ chức, các hộ sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi liên kết; phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết, cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

Những giải pháp quan trọng trên hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá mới cho nông nghiệp - nông thôn - nông dân Bạc Liêu bước sang giai đoạn mới, đó là: tăng tốc và phát triển bền vững.

Trần Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.