Nông nghiệp: Lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh

Thứ Sáu, 26/04/2019 | 16:05

Trải qua 44 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Bạc Liêu không ngừng phát triển về mọi mặt. Trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu vượt bậc và là ngành mũi nhọn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh thả tôm giống nuôi siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt - Úc.

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi).

Các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn TX. Giá Rai bao tiêu thu mua tôm của nông dân. Ảnh: M.Đ

Những thành tựu vượt bậc

Từ một nền nông nghiệp sản xuất lạc hậu, chỉ độc canh cây lúa rồi chuyển đổi sang nuôi tôm, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển.

Năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 136.498ha, đạt 100,12% kế hoạch, tăng 0,33% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản 341.262 tấn (trong đó sản lượng tôm 139.000 tấn), đạt 100,61% kế hoạch, tăng 5,77% so với cùng kỳ.

Các ngành chức năng tỉnh đã xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I và nạo vét hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước phục vụ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, tạo điều kiện đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Hiện nay, có 10 công ty, doanh nghiệp nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 810,5ha, sản lượng 1.962 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho 287 hộ dân áp dụng với tổng diện tích 814,38ha, sản lượng 4.598 tấn. Các công ty, doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp đồng bao tiêu 1.370ha nuôi trồng thủy sản.

Về khai thác thủy sản, ngư dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu sang đánh bắt xa bờ và đa nghề để khai thác, đánh bắt hải sản quanh năm. Mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo tổ, đội đã giúp giảm chi phí sản xuất, khai thác đạt hiệu quả và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Về sản xuất lúa, năm 2018, diện tích lúa gieo trồng toàn tỉnh là 185.036ha, đạt 100,56% kế hoạch, tăng 2,45% so với cùng kỳ; sản lượng ước tính hơn 1,1 triệu tấn, đạt 101,42% kế hoạch. Toàn tỉnh có 21 cánh đồng lúa lớn gồm 11.372ha; có 44.922ha lúa hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. 

Định hướng phát triển

Xác định năm 2019 là năm “nước rút” nên tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm. Đẩy mạnh thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, nhất là mô hình tôm siêu thâm canh vùng phía Nam và mô hình tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A; xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện liên kết bao tiêu lúa gạo.

Đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện. Tiếp tục xây dựng mô hình điểm cánh đồng lớn và liên kết tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, phấn đấu đạt tổng sản lượng 1,12 triệu tấn lúa. Mở rộng diện tích đất trồng lúa - tôm theo quy hoạch ở các vùng hội đủ điều kiện sản xuất…

Ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Khuyến cáo nông dân áp dụng sản xuất lúa theo chương trình IPM, quy trình “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm”; sử dụng tiết kiệm nước; quản lý cộng đồng các loại sâu bệnh. Khuyến khích nông dân cơ giới hóa các khâu sản xuất, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng. Ưu tiên đầu tư nạo vét các kênh mương bị bồi lắng; củng cố bờ bao giữ nước; xây các trạm bơm nước; áp dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng. Tiếp tục phát động, hướng dẫn nông dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị; áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng các cánh đồng lúa, các vườn rau sạch, an toàn...

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành NN&PTNT tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chỉ đạo: Năm 2019, Bạc Liêu tập trung xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng. Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất, sản lượng, chuỗi giá trị tôm nuôi (như xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước); xây dựng khu, vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín… Qua đó nâng tầm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh thuộc tốp khá trong khu vực ĐBSCL.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.