Nông dân Bạc Liêu: Đồng lòng phòng chống dịch, yên tâm sản xuất

Thứ Sáu, 23/07/2021 | 16:09

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp, xuất nhập khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thời gian qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, cung cấp nông sản ra thị trường, nông dân đã tích cực tăng gia sản xuất, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các ngành chức năng của tỉnh cũng đã có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân yên tâm sản xuất, bảo đảm đời sống.

Nông dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) đóng gói rau cần nước để chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: C.L

TÌM ĐẦU RA SẢN PHẨM CHO NÔNG DÂN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho việc tiêu thụ một số loại nông sản ở thị trường nội địa và xuất khẩu Trung Quốc giảm đáng kể. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất của nông dân diễn ra ổn định. Khắp các cánh đồng, nông dân vẫn lạc quan, tích cực sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, với hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, giá cả nông sản sẽ tăng trở lại, hoạt động giao thương được thông suốt. Hiện nay, ngoài sản xuất lúa và các loại rau màu, bà con còn chủ động trong khâu tiêu thụ. Đơn cử như huyện Phước Long, hơn một tuần nay, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch bệnh COVID-19, thì các cấp, các ngành của huyện đã cùng nhau bàn giải pháp để giúp nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Thông qua các kênh tiêu thụ liên tỉnh có kiểm soát, huyện đã chủ động kết nối để tiêu thụ các mặt hàng: rau cần nước, rau má, bắp… giúp nông dân trên địa bàn đảm bảo được đầu ra. Ông Kiều Quốc Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long), cho biết: “Bà con nông dân làm ra sản phẩm đã cực lắm rồi, nếu không tiêu thụ được thì còn gì khổ hơn. Chính vì vậy, dù trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng UBND xã cũng đã tham mưu, xin ý kiến huyện để kết nối với các kênh tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, giúp nông dân có được đầu ra ổn định”.

Không chỉ giúp nông dân tìm được đầu ra, huyện Phước Long còn chủ động cử cán bộ nông nghiệp xuống cơ sở, hướng dẫn bà con những kỹ thuật canh tác mới, luân canh vụ trồng để cân đối nguồn cung các mặt hàng.

ĐẢM BẢO PHÒNG DỊCH TRONG SẢN XUẤT

Không chỉ cần mẫn bám đồng ruộng để sản xuất lúa, nông dân còn áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Anh Trần Văn Của (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng và chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, yêu cầu mọi người không nên ra đường khi không có việc thật sự cần thiết để phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, công việc của nông dân chúng tôi không thể dừng được, nếu lúa không được chăm sóc thường xuyên thì sâu rầy sẽ tấn công dẫn đến năng suất, chất lượng tụt giảm. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội, khi từ nhà đi đến ruộng và trong suốt quá trình lao động, chúng tôi đều tuân thủ các quy định, khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế, chủ động đeo khẩu trang, không tập trung đông người, thường xuyên rửa tay… để phòng, chống COVID-19”.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhờ đa dạng hóa đối tượng nuôi nên khi con tôm gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ thì các đối tượng thủy sản khác vẫn có đầu ra khá tốt. Ngoài con tôm, nông dân còn nuôi lươn, ếch…, từ đó đã giảm thiểu được rủi ro và có thu nhập trong lúc dịch bệnh. Hiện nay, các loài vật nuôi này vẫn giữ được mức giá ổn định. Anh Lê Văn Hột (hộ nuôi lươn ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) nói: “Tuy có gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhờ được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên chúng tôi cũng yên tâm hơn trong sản xuất. Hy vọng đợt dịch này nhanh chóng qua đi để giá cả các mặt hàng nông sản phục hồi như trước, để nông dân ai cũng có được niềm vui trúng mùa - được giá”.

Thực hiện nhiệm vụ kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân trên địa bàn, ngoài việc duy trì sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực, cần quan tâm việc chuyển đổi cây trồng - vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ, gắn với áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình nông dân.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.