Những mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả cao

Thứ Sáu, 27/07/2018 | 15:42

Nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm, là một trong những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Hàng năm, sản lượng tôm của tỉnh đứng nhất, nhì so với cả nước. Từ khi tỉnh phát động phong trào ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến Bạc Liêu đầu tư xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Một số hộ có điều kiện cũng đầu tư nuôi tôm theo mô hình này. Con tôm trở thành vật nuôi quan trọng và là đòn bẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu.

Mô hình kết hợp tôm - cua - cá dưới tán rừng (huyện Hòa Bình).

Một nông hộ (ở huyện Hòa Bình) áp dụng nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: M.Đ

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Đi tiên phong trong phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH MTV Hải Nguyên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu, Công ty TNHH MTV Huy Long An - Bạc Liêu, Công ty Cổ phần CPVN - Chi nhánh Bạc Liêu, Công ty TNHH MTV Long Mạnh.

Nếu năm 2017, toàn tỉnh có 6 công ty ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 800ha, thả nuôi tôm gần 150ha, sản lượng 3.806 tấn, năng suất bình quân 25,47 tấn/ha… thì nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có 6 công ty, 1 doanh nghiệp nhà nước và 186 hộ dân đã, đang và chuẩn bị thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.384ha, gồm 882 ao nuôi (mỗi ao có diện tích từ 500 - 2.500m2). Trong đó, tổng diện tích của 6 công ty, 1 doanh nghiệp nhà nước là 845,41ha (gồm 437 ao nuôi); 186 hộ nuôi với diện tích 538,6ha (gồm 445 ao nuôi). 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 4 công ty đã nuôi tôm với diện tích 22,8ha, thu hoạch 10,9ha, sản lượng 326,7 tấn. Cụ thể: Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Úc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) nuôi 5,5/52ha, thu hoạch 0,7ha, sản lượng 36 tấn (năng suất bình quân 51,43 tấn/ha). Công ty TNHH MTV Huy Long An - Bạc Liêu thả nuôi 12/58ha, thu hoạch 10ha, sản lượng 280 tấn (năng suất bình quân 28 tấn/ha). Công ty Cổ phần CPVN - Chi nhánh Bạc Liêu thả nuôi 5/286ha. Công ty TNHH MTV Long Mạnh thả nuôi tôm 0,3/8ha, thu hoạch 0,2ha, sản lượng 10,7 tấn (năng suất bình quân 53,50 tấn/ha).

Ngoài ra, một số hộ dân cũng đã áp dụng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất cao. Điển hình như hộ ông Ngô Văn Buôl (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) nuôi 2 ao tôm (diện tích 1.500m2/ao), sản lượng đạt 18 tấn/2 ao. Hay hộ ông Trần Chí Hiếu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) nuôi 1 ao tôm (diện tích 1.200m2), mật độ thả 200 con/m2, sản lượng đạt 9 tấn...

Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở nông hộ đạt hiệu quả, được đưa vào sản xuất đại trà, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. 

Nuôi tôm sinh thái

Toàn tỉnh có tổng diện tích hơn 79.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp, mô hình tôm - rừng cho năng suất tôm từ 400 - 500kg/ha, năng suất cua 120kg/ha, năng suất cá 400kg/ha; còn diện tích tôm - lúa, tôm càng xanh - lúa là 33.747ha, cho năng suất tôm 200 - 300kg/ha, năng suất cua khoảng 100kg/ha, năng suất cá 270kg/ha. Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú kết hợp với cua, cá. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên người nuôi tiết kiệm được chi phí. Bên cạnh đó, với hình thức thu tỉa thả bù nên nông dân hạn chế rủi ro so với độc canh con tôm.

Các mô hình nuôi tôm càng xanh 2 vụ/năm, 1 vụ tôm sú - 1 vụ tôm càng xanh xen lúa, 2 vụ tôm sú - 1 vụ tôm càng xanh không trồng lúa cũng đạt hiệu quả khá cao. Tôm nuôi theo mô hình sinh thái (tôm sạch) nên các nhà máy chế biến thủy sản rất thích thu mua loại tôm này để xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Vụ mùa 2017 - 2018, toàn tỉnh có 33.747ha áp dụng mô hình lúa - tôm. Hiện nay, mô hình lúa - tôm đã được quy hoạch ở vùng chuyển đổi của các địa phương như: TX. Giá Rai, huyện Hồng Dân, huyện Phước Long…

Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, nhận định: “Lúa - tôm là một trong những mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao và bền vững. Thị xã xem đây là một trong những mô hình xóa đói giảm nghèo của các vùng chuyển đổi. Năm 2018, địa phương tập trung xây dựng đề án sản xuất lúa trên đất nuôi tôm ở từng xã”.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 8.000ha áp dụng mô hình tôm - cua - cá -  rừng, tập trung ở các huyện: Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu.

Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tôm sinh thái, tôm sạch… đã góp phần rất lớn trong phát triển nền nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới ngành chức năng cần nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu tôm lớn” và mô hình nuôi tôm sinh thái gắn với tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng nuôi tôm sạch, gắn kết chặt chẽ với chế biến, xuất khẩu. Qua đó hướng tới xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Minh Đạt

---------------------------------------------------

Phát biểu tại hội nghị tổng kết mô hình lúa - tôm, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Sản xuất tôm - lúa ở các địa phương vùng phía Bắc Quốc lộ 1A là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững. Mô hình này đem lại đời sống ấm no cho người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Các địa phương cần tiếp tục nhân rộng mô hình lúa - tôm một cách quyết liệt và đồng bộ. Đồng thời thu hút, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào mô hình này để giúp nông dân có điểm tiêu thụ tôm sạch, tăng thêm thu nhập, từng bước nâng cao đời sống.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.