Nâng cao thu nhập cho nông dân: Vì sự phát triển bền vững của nông nghiệp - nông thôn

Thứ Hai, 30/11/2020 | 15:04

Một trong những mục tiêu quan trọng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) xác định từ nay đến năm 2025 là GRDP bình quân đầu người phải đạt từ 110 - 120 triệu đồng/năm. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này và đạt tiêu chí về thu nhập của một tỉnh khá cũng cần mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn, thách thức mà Bạc Liêu đã và đang phải đương đầu. Trong đó, thu nhập của người nông dân là vấn đề đáng quan tâm.

Lao động nông thôn được giải quyết việc làm ở Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu.

TRĂN TRỞ CẢNH… THA PHƯƠNG

Theo Cục Thống kê, dân số của tỉnh tính đến năm 2019 có hơn 908.240 người. Trong đó, dân số sinh sống ở khu vực nông thôn chiếm gần 73% (tương với khoảng 655.950 người). Từ đó cho thấy, lực lượng lao động ở khu vực này rất dồi dào và là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp đến nay vẫn được xác định là “trụ đỡ” chính của nền kinh tế.

Tuy nhiên, có một vấn đề đáng quan tâm là tình trạng nông dân phải xa xứ mưu sinh, thậm chí bỏ xứ để lập nghiệp nơi khác. Số liệu thống kê từ ngành Lao động cho thấy, số lao động đi làm thuê ngoài tỉnh kiếm sống ngày càng tăng. Chẳng hạn năm 2019, Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho 24.590 lao động, song số lao động được giải quyết làm việc trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 5.600 người, còn lại hơn 18.980 người phải làm việc ngoài tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Huyền (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) làm nghề phụ hồ ở tỉnh Bình Dương, than: “Do không có đất sản xuất nên gia đình tôi phải xa xứ mưu sinh, chứ đi lao động ngoài tỉnh bị nhiều thiệt thòi lắm. Đôi lúc bị chủ ức hiếp cũng không biết phải than với ai, hoặc do mình không có trình độ nên phải chấp nhận làm theo công nhật chứ không được hưởng bất cứ quyền lợi gì về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nếu mất sức hay bị tai nạn lao động là thầu xây dựng sa thải ngay. Vợ chồng đi làm chung còn có cơ hội gần gũi, còn làm theo ca và chạy theo công trình thì cả tuần chỉ gặp nhau được vài ngày. Còn con cái cũng phải nghỉ học do không có hộ khẩu. Đi làm xa tuy có tiền thật, nhưng tính lại cũng chẳng dư được bao nhiêu, vì chi phí sinh hoạt, tiền nhà trọ, tiền thuê giữ con… ở các khu công nghiệp khá cao. Nếu về già mà không còn sức khỏe thì không biết phải dựa vào ai”.

Nỗi trăn trở cũng là tình cảnh chung của lao động xa quê. Qua thống kê ảnh hưởng từ đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, phần lớn lao động của Bạc Liêu bị thiệt thòi rất nhiều. Theo Sở LĐ-TB&XH, trong tổng số hơn 43.690 lao động bị ảnh hưởng mất việc thì chỉ có 12.850 lao động có hợp đồng lao động, còn hơn 30.840 lao động không có hợp đồng. Đối với những lao động không có hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc họ mất đi các quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ!

Từ vấn nạn trên cho thấy, nếu như không có các giải pháp ngay từ bây giờ, thì vấn đề về công tác an sinh cho những đối tượng này trong tương lai sẽ rất nặng nề. Trong khi đó, nạn thiếu lao động ở vùng nông thôn hiện nay cũng trở thành câu chuyện đáng cảnh báo. Cụ thể khi vào mùa vụ, phần lớn nông hộ thu hoạch lúa đều dựa vào lao động ngoài tỉnh đến làm thuê thông qua dịch vụ máy gặt đập liên hợp, còn khi xảy ra ngập úng hoặc lúa bị sập do mưa bão phải thu hoạch thủ công thì gần như không có lao động để thuê. Tương tự, ở các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu hiện nay cũng trong tình trạng thiếu hụt lao động, vì phần lớn lao động trẻ đều đi ngoài tỉnh làm thuê…

Dịch vụ thu hoạch lúa ở huyện Hòa Bình. Ảnh: L.D

CẦN MỘT CUỘC “ĐẠI PHẪU THUẬT”

Thời gian qua, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và các chương trình, dự án… nhằm tạo sinh kế và giúp nông dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Thế nhưng, tình trạng “tha phương cầu thực” cứ diễn ra hàng năm và tựa như “cơn sóng ngầm” gây lãng phí nguồn lực vốn được xem là tài nguyên, động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Cụ thể, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 10 năm qua đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 110.000 lao động, với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng và theo kế hoạch từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư khoảng 544 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện Đề án (trong đó, đào tạo nghề cho 120.000 lao động nông thôn). Hay đối với ngành Nông nghiệp, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất giúp nông dân đạt tiêu chí về thu nhập (tiêu chí số 10). Hội Nông dân tỉnh cũng triển khai hàng loạt các chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân như: phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 24.592 hộ nông dân vay vốn với tổng dư nợ 463 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT cho 12.566 hộ vay vốn với tổng dư nợ 599 tỷ đồng. Đồng thời phối hợp với ngành Nông nghiệp, các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi với trên 6.330 lớp, thu hút hơn 210.000 lượt hội viên, nông dân tham dự…

Vấn đề đặt ra, ngành quản lý và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân, cớ sao nông dân nhiều nơi vẫn còn nghèo, nông dân vẫn phải xa xứ mưu sinh? Vậy, hiệu quả của các chương trình, dự án ở đâu? Liệu có lãng phí?

Đây là vấn đề cần được ngành quản lý và các địa phương quan tâm “giải phẫu”, nhằm làm rõ nguyên nhân và không đổ lỗi cho những nguyên nhân mang tính chung chung mà lâu nay địa phương nào cũng báo cáo như: do thiếu đất sản xuất, ý thức nông dân, thiếu mô hình bền vững, thiên tai, dịch bệnh…

Qua điều tra thực tế cho thấy, nguyên nhân chính khiến nông dân phải bỏ xứ mưu sinh là vì họ không tạo được thu nhập ổn định tại địa phương, thậm chí bản thân họ có đất sản xuất. Bởi với trung bình mỗi hộ nông dân sau khi lập gia đình được cha mẹ chia cho từ 3 - 5 công đất thì không thể sống nổi với 2 - 3 vụ lúa/năm, nên họ chấp nhận cho người khác thuê đất, còn gia đình thì kéo nhau đi làm thuê. Thêm vào đó, có những gia đình tuy có diện tích sản xuất lớn nhưng lại thiếu những mô hình mới cũng chấp nhận cho thuê đất và đi tỉnh ngoài làm thuê. Nông dân Nguyễn Văn Anh (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết: “Với hơn 1ha đất, gia đình tôi chỉ sản xuất được Artemia từ tháng 12 cho đến tháng 5, riêng 6 tháng còn lại thì bỏ đất trống, vì vùng đất ở đây chỉ phù hợp với việc nuôi Artemia. Nhiều hộ ít đất không sống nổi nên phải bỏ xứ đi nơi khác làm thuê”.

Thực tiễn đã chỉ ra, trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu để giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, nhất là các mô hình sử dụng ít đất nhưng tạo được thu nhập và hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, trong công tác đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm. Trong đó, cần sự quan tâm đầu tư của tỉnh trong việc khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước ưu tiên triển khai các dự án động lực về vùng nông thôn thông qua tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho những dự án giải quyết được nhiều việc làm cho lao động. Như hiện nay, chỉ tính riêng 2 nhà máy may công nghiệp là Vinatex (TP. Bạc Liêu) và Pinetree Hàn Quốc (huyện Vĩnh Lợi) đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động của huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình.

Ngoài các giải pháp về tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tái cơ cấu sản xuất…, cần có chiến lược trong việc quản lý và phát huy nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển “5 trụ cột”. Bởi theo Cục Thống kê tỉnh, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Bạc Liêu rất dồi dào và lực lượng này hiện chiếm hơn 524.360 người, tăng hơn 3.000 người so với năm 2018. Đây chính là nguồn lực quan trọng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế nên cần có giải pháp phát huy và tránh tình trạng lãng phí.

Xét ở góc độ nào đó, đây cũng là nhu cầu mang tính bắt buộc trong thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời, góp phần bổ sung, phát huy nguồn nhân lực trong giai đoạn “dân số vàng” để thực hiện các “trụ cột” mà Bạc Liêu phấn đấu là trung tâm của khu vực và cả nước.

LƯ TRUNG

Giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm hài hòa giữa các vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị. Có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách đảm bảo việc làm cho nông dân, nhất là ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

(Trích Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp - nông dân và nông thôn)

Thực hiện nhiều giải pháp để tăng thu nhập cho nông dân

Tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn hiện nay là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Làm gì để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, ông Trương Thanh Nhã - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết:

Để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung vào nhiều giải pháp. Đó là xây dựng kế hoạch phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng CSXH tỉnh tạo nguồn vốn giúp nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh và tạo việc làm.

Cùng với đó là tranh thủ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội, nguồn ngân sách tỉnh, huyện và nguồn vận động của Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ, đầu tư cho nông dân xây dựng mô hình, dự án sản xuất. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ trồng trọt, chăn nuôi; cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật nhà nông; mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất…

Song song đó, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hỗ trợ, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho các hộ hội viên, nông dân xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế, bền vững, góp phần tạo thương hiệu sản phẩm thế mạnh của tỉnh, xúc tiến thương hiệu ra thị trường, giúp nông dân có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất, xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn và khuyến khích phát triển, thành lập các hợp tác xã để thu hút thêm việc làm, tạo thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Công thương tổ chức các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho nông dân sản xuất - kinh doanh để nắm chặt các điều kiện, phương thức trước khi khởi nghiệp. Hướng dẫn, định hướng cho nông dân phát triển các quy mô sản xuất - kinh doanh theo xu thế phát triển chung của thị trường và thế mạnh của địa phương. Đặc biệt là hộ nông dân trang trại, gia trại, nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản phù hợp với năng lực và điều kiện, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng được cơ chế thị trường… Từ đó tạo ra sản phẩm cạnh tranh và góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

PV: Theo ông, ngoài các giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất và tăng cường phối, kết hợp thì còn cần thêm giải pháp nào?

Ông Trương Thanh Nhã: Thực tế cho thấy, các hoạt động tạo ra thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn rất đa dạng. Mặc dù thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, song các hoạt động tạo thu nhập từ dịch vụ ngoài sản xuất nông nghiệp ngày càng đóng góp nhiều vào thu nhập của nông dân như: làm công ăn lương, các nghề phi nông nghiệp…

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn hiện diễn ra mạnh mẽ sẽ làm cho thị trường lao động ở khu vực tư nhân phát triển, dẫn đến nhu cầu thuê nhân công, lao động tăng cao và tạo ra sức hút từ nguồn lao động ở khu vực nông nghiệp chuyển sang. Đây là một thực trạng diễn ra phổ biến và theo quy luật của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn từ kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Vấn đề là làm sao nông dân có thể chuyển đổi nghề nghiệp nhằm thích ứng với nhu cầu thị trường lao động tại địa bàn để  tăng thêm thu nhập...

Muốn vậy, các địa phương cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển thêm các nhà máy, xí nghiệp gắn với đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ để thu hút và giải quyết thêm nhiều việc làm cho nông dân. Đồng thời, trong tổ chức đào tạo nghề phải gắn chặt với đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu và đảm bảo lao động có việc làm sau đào tạo.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ kiến nghị và đề xuất với Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; tiếp tục đầu tư một số chương trình, dự án giúp nông dân xây dựng mô hình sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân…

TÚ ANH (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.