Năm 2021: Thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản

Thứ Hai, 21/06/2021 | 15:09

Thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời gian qua Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Riêng năm 2021 này, với quyết tâm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành Nông nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất, nhất là giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…

Xử lý môi trường nước trước khi thả tôm nuôi ở huyện Đông Hải.

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT

Nhìn lại sản xuất nông nghiệp trong những năm qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng luôn được giữ vững và đạt mức khá cao. Năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng không ngừng được cải thiện về quy mô và chất lượng. Qua đó, cho tổng sản lượng thủy sản hàng năm đạt 400.000 tấn (tôm 200.000 tấn, cá và thủy sản khác 200.000 tấn); sản lượng lúa 1.150.000 tấn; sản lượng muối 92.292 tấn. Đặc biệt, sản lượng tôm chế biến đạt 98.302 tấn, sản lượng tôm xuất khẩu 42.482 tấn và cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản 785,1 triệu USD.

Để đạt được những kết quả trên, ngành Nông nghiệp đã tích cực chỉ đạo và khuyến khích các doanh nghiệp, nông dân đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất. Đơn cử, trong nuôi trồng thủy sản đã thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo hình thức liên kết sản xuất tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC, Global GAP trên mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, mô hình tôm - rừng (theo tiêu chuẩn Organic). Trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ 20 - 100% tôm giống, 100% vi sinh (EM), tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, bao tiêu tôm thương phẩm với giá cao hơn thị trường từ 10.000 - 30.000 đồng/kg…

Có thể nói, sản xuất theo chuỗi giá trị trong ngành tôm tiếp tục được xác định là một trong những đột phá quan trọng hàng đầu trong cơ cấu lại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc và các nước khác.

Đối với cây lúa, ngành Nông nghiệp cũng đã chỉ đạo thực hiện mô hình hợp tác, liên kết sản xuất; qua đó tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp được 57.133 tấn và cho lợi nhuận tăng thêm so với ruộng không áp dụng từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha/vụ. Trong phát triển chăn nuôi, đã xây dựng nên mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Thực hiện chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp, bán công nghiệp…

Đóng gói tôm xuất khẩu tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN

Để nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại nhiều giá trị gia tăng, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định phát triển công nghiệp chế biến và không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ chính là khâu đột phá. Thực hiện đột phá này, ngành Nông nghiệp đã khuyến khích các nhà máy đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại và tập trung chế biến các mặt hàng tinh chế có giá trị gia tăng cao; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó là đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ chế biến và tăng cường đầu tư dây chuyền sản xuất bán tự động đến tự động như: rửa, phân cỡ, cân, mạ băng, đóng gói, vận chuyển sản phẩm... Đồng thời, phát triển công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng HACCP, SQF, ISO 9001:2008, ISO 2200 - 2005, BRC, HALAL, Global GAP… Cùng với đó là mở rộng, phát triển thị trường và giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống từ Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc; phát triển thêm các thị trường tiềm năng, thị trường mới như: Hồng Kông, Đài Loan, Trung Đông, Đông Âu, ASEAN, Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan); các nước Nam Mỹ (Argentina, Chi Lê) và New Zealand…

Song song đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các phương án hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Coi trọng phát triển thị trường nội địa với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, tiêu thụ nông - thủy sản ở các đô thị, địa bàn nông thôn, khu công nghiệp và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng…

Lưu Hoàng Ly (Giám đốc Sở NN&PTNT)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.