Mô hình tưới ướt khô xen kẽ: Giải pháp tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất

Thứ Sáu, 06/09/2019 | 15:12

Mô hình tưới ướt khô xen kẽ được ngành chức năng và Dự án GIZ (Tổ chức Hợp tác phát triển Đức) triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây được xem là lời giải cho bài toán thiếu nước ngọt, nhất là trong vụ lúa đông xuân.

Nông dân xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) kiểm tra lượng nước trên ruộng lúa áp dụng theo kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ.

Mô hình tưới ướt khô xen kẽ lần đầu tiên được ngành Nông nghiệp tỉnh và Dự án GIZ triển khai tại Hợp tác xã (HTX) Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) với tổng diện tích hơn 50ha (hơn 40 hộ tham gia).

Ông Nguyễn Hoàng Hương, Giám đốc HTX Nam Hưng, cho biết: “Áp dụng kỹ thuật tưới lúa ướt khô xen kẽ thì chỉ cần bơm nước ngập 5cm trên ruộng. Vì vậy vừa tiết kiệm nước vừa giảm chi phí sản xuất. Đồng thời lúa rất cứng cây và ít bị đổ ngã ở cuối vụ”.

Kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ giúp hạn chế nước bị thấm và bốc hơi gây tổn thất nước trên mặt ruộng; ruộng khô, ráo nước thì hạn chế được nhánh đẻ muộn, tập trung chất dinh dưỡng cho các nhánh lúa hữu ích; phơi ruộng, tạo điều kiện phân giải các chất hữu cơ làm tích lũy các chất dinh dưỡng trên ruộng. Ngoài ra, ánh sáng chiếu vào gốc lúa làm hạn chế số rễ đen, tăng số rễ trắng làm tăng khả năng hút nước của cây lúa. Áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ vừa tiết kiệm được nước, vừa giúp lúa cho năng suất cao. 

Theo ông Nguyễn Hồng Khiêm, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh: “Mô hình tưới ướt khô xen kẽ sẽ giúp giảm từ 20 - 30% lượng nước tưới mà không ảnh hưởng tới năng suất. Ngoài ra, giai đoạn ruộng khô (cây lúa ở thời điểm 30 - 40 ngày sau gieo sạ) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để rễ lúa ăn sâu vào đất và hút chất dinh dưỡng. Cây lúa có bộ rễ khỏe, thân cứng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và giảm tỷ lệ đổ ngã. Áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ kết hợp với chương trình “1 phải - 5 giảm”, “3 giảm - 3 tăng”… cho nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 5 - 7 triệu đồng/ha”.

Ông Nguyễn Hoàng Hương, Giám đốc HTX Nam Hưng (huyện Vĩnh Lợi) hướng dẫn các nhà báo tham quan cánh đồng áp dụng mô hình tưới ướt khô xen kẽ. Ảnh: M.Đ

Mô hình tưới ướt khô xen kẽ được triển khai từ vụ đông xuân 2011 - 2012 trên cánh đồng lúa lớn. Sau thời gian thực hiện, cuối vụ, nông dân thu lãi cao hơn 5 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác truyền thống. Kỹ thuật này giúp nông dân ứng phó với việc thiếu nước trong sản xuất lúa, đặc biệt là vụ đông xuân.

Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn tỉnh có hơn 80% diện tích áp dụng mô hình tưới ướt khô xen kẽ. Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp với Dự án GIZ triển khai thực hiện nhiều điểm trình diễn kỹ thuật mô hình này và đều đạt hiệu quả cao. Ông Nguyễn Minh Thắng (xã Vĩnh Hưng) cho biết: “Trước đây, chi phí trồng lúa từ 22 - 23 triệu đồng/ha. Từ khi áp dụng mô hình tưới ướt khô xen kẽ thì chỉ còn khoảng 17 triệu đồng/ha. Năng suất lúa từ  6 - 7 tấn/ha tăng lên 10 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm hơn 5 triệu đồng/ha”.

Mô hình tưới ướt khô xen kẽ đang được nông dân các huyện: Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và TX. Giá Rai thực hiện với diện tích hàng ngàn héc-ta. Kỹ thuật này đã giúp người trồng lúa tiết kiệm chi phí, giảm từ 3 - 4 lần bơm nước/vụ, tăng năng suất và chất lượng lúa. Đồng thời giảm lượng lúa giống, phân bón và giảm từ 2 - 4 lần phun thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.