Liên kết chuỗi giá trị sản phẩm: Tìm đầu ra cho nông sản

Thứ Sáu, 19/10/2018 | 16:28

Bạc Liêu có diện tích sản xuất lúa khá lớn; diện tích và sản lượng tôm cũng đứng vào hàng nhất, nhì của cả nước. Để các mặt hàng nông sản của tỉnh khẳng định vị thế, chỗ đứng trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu là việc làm rất quan trọng.

Theo ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để thực hiện chuỗi giá trị tôm, cần quy hoạch từng vùng nuôi; quá trình thả nuôi, quy trình nuôi phải đồng nhất. Nếu không làm tốt các khâu này, sản phẩm sẽ không đồng đều về kích cỡ, chất lượng, gây khó khăn trong tiêu thụ.

Sắp tới, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo nông dân thực hiện chuỗi giá trị cụ thể từng vùng. Về sản xuất lúa, việc thực hiện chuỗi giá trị khá tốt, song vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Khi thực hiện chuỗi giá trị cần có sự tham gia của chính quyền địa phương để doanh nghiệp và nông dân thực hiện tốt hợp đồng bao tiêu, tránh tình trạng “bẻ kèo”, làm các bên bị thiệt hại.

 

Công ty Việt Úc - Bạc Liêu ký hợp đồng với các nhà máy chế biến thủy sản bao tiêu sản phẩm tôm.

 Doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân sản xuất ở các cánh đồng lớn (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M.Đ

Thành lập hợp tác xã KIỂU MỚI

Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Việc thành lập các THT, HTX mang lại lợi ích rất lớn cho các xã viên. Đó là xã viên được tập huấn các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất; không còn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; có người đại diện hợp pháp, đủ tư cách pháp nhân của THT, HTX ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp; không còn tình trạng bị tư thương ép giá.

Toàn tỉnh hiện có 660 THT với 15.116 thành viên, 130 HTX với 22.774 thành viên. Trong đó, có 86 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ trên lĩnh vực lúa gạo, hiện nay, nhiều THT, HTX nuôi tôm ở TX. Giá Rai, huyện Đông Hải đã ký kết hợp đồng nuôi tôm, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Mới đây, tỉnh thành lập HTX nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (gồm 21 thành viên, diện tích gần 120ha). HTX sẽ cung ứng các dịch vụ đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra các chỉ số nước trong ao nuôi; cung ứng tôm giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ nuôi tôm; tiêu thụ tôm thương phẩm của xã viên. Ngoài ra, HTX còn tạo điều kiện cho các thành viên nâng cao tay nghề, khả năng quản lý, tương trợ lẫn nhau trong nuôi tôm công nghệ cao, tăng thu nhập. Đây là một hình thức liên kết để hình thành cánh đồng tôm lớn, đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu với sản lượng tôm lớn.

Xây dựng cánh đồng lớn

Xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là vấn đề quan trọng trong việc thực hiện chuỗi giá trị. Toàn tỉnh đã xây dựng 21 cánh đồng lúa lớn với diện tích sản xuất 11.372ha. Trong đó huyện Phước Long có 7 cánh đồng với 3.154ha, huyện Vĩnh Lợi 5 cánh đồng với 570ha, huyện Hòa Bình 5 cánh đồng với 4.990ha, huyện Hồng Dân 4 cánh đồng với 2.658ha.

Những cánh đồng lúa lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua hoặc bao tiêu sản phẩm. Điển hình là HTX Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) đã liên kết với Công ty Cổ phần Quốc tế Gia bao tiêu thu mua hàng ngàn héc-ta lúa Nàng hoa, Nàng thơm ở Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp; đồng thời làm trung gian ký hợp đồng bao tiêu lúa cho xã viên và nông dân trong tỉnh.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, những cánh đồng tôm lớn cũng được hình thành nhằm sản xuất lượng hàng hóa lớn, thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua. Đơn cử như HXT Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại LASAN cung ứng dịch vụ đầu vào (tôm giống) và ký kết với Công ty Cổ phần Tôm miền Nam để bao tiêu đầu ra con tôm của HTX.

ĐẨY MẠNH Bao tiêu sản phẩm

Vụ lúa đông xuân 2017 - 2018, tỉnh thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ là 16.195ha (chiếm 33,48% diện tích vụ lúa) với sản lượng bao tiêu 105.260 tấn. Các giống lúa được bao tiêu là RVT, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, OM 4900, OM 5451... Có 40 công ty, doanh nghiệp, HTX, đại lý tham gia bao tiêu. Trong đó, có HTX Vĩnh Cường, Công ty Cổ phần Quốc tế Gia, Công ty Hiếu Nhân, Công ty Thuận Minh, HTX Hữu Nghị... Vụ hè thu, các công ty, doanh nghiệp bao tiêu 15.164ha (chiếm 25,78% diện tích lúa hè thu), sản lượng 83.410 tấn.

Ngoài liên kết bao tiêu lúa, con tôm cũng được quan tâm. Cụ thể là Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú ký kết với HTX Đồng Tiến và THT Tiền Phong tiếp tục thực hiện nuôi tôm sú quảng canh cải tiến (theo tiêu chuẩn GlobalGAP) với tổng diện tích 412,50ha của 237 hộ nuôi tôm xã Định Thành (huyện Đông Hải)...

Song, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chỉ mới bắt đầu; việc bao tiêu sản phẩm còn rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 15% tổng diện tích sản xuất. Tiến độ triển khai thực hiện theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản còn chậm, quy mô nhỏ, chưa bền vững. Đa số các nhà máy chế biến thủy sản chưa xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Các doanh nghiệp chỉ hợp tác, liên kết với nông dân khi doanh nghiệp cần nguồn tôm, lúa có chứng nhận chất lượng để xuất khẩu...

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.