Huyện Vĩnh Lợi: Đưa nông dân đi học nuôi tôm công nghệ cao

Thứ Tư, 05/12/2018 | 16:23

Thời gian qua, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (NTƯDCNC) được nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp phát triển, nhân rộng bởi hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm quảng canh cải tiến. Mới đây, huyện Vĩnh Lợi đã tổ chức đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình  NTƯDCNC ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Qua chuyến đi thực tế này, huyện Vĩnh Lợi sẽ phát động  nông dân áp dụng, nhân rộng mô hình NTƯDCNC để tăng hiệu quả sản xuất.

 Đoàn cán bộ và nông dân huyện Vĩnh Lợi tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở huyện Hòa Bình.

Huyện Vĩnh Lợi vừa tổ chức đoàn cán bộ và nông dân nuôi tôm ở các xã: Long Thạnh, Hưng Thành, Hưng Hội đến tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm NTƯDCNC ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Đoàn đã đến tham quan mô hình NTƯDCNC của hộ anh Nguyễn Văn Bảo (xã Vĩnh Hậu). Với tổng diện tích 6,2ha, anh Bảo ương tôm trong bể tròn nổi, sau đó tiến hành sang ao thả thưa nuôi đến tôm đạt 30 con/kg. Ngoài ra, đoàn còn đến tham quan mô hình NTƯDCNC của Công ty Hoàng Phúc (xã Vĩnh Hậu)...

Các hộ nuôi đã chia sẻ kinh nghiệm NTƯDCNC 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, hướng dẫn tỉ mỉ từ khâu xử lý nước đưa vào ao nuôi, khâu ôxy đáy, đến cách làm bể nổi, trải bạt ao… cho đoàn tham quan. Hầu hết các thành viên trong đoàn tham quan đều đánh giá cao mô hình NTƯDCNC. Đây là mô hình có chi phí đầu tư không quá cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân. Đồng thời quy trình nuôi cũng đơn giản, tỷ lệ thành công khá cao (tỷ lệ tôm nuôi đạt từ 70 - 90%). Nông dân có thể áp dụng mô hình này vào thực tế nuôi tôm tại địa phương.

Cô Trần Tuyết Hồng (ngụ ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội) cho biết: “Vốn đầu tư mô hình NTƯDCNC ban đầu khá cao, phải trải bạt, tạo ôxy đáy và các khâu khác..., nhưng so với mô hình nuôi tôm công nghiệp thì không quá cao. Quy trình kỹ thuật và cách nuôi cũng đơn giản, nông dân có thể dễ dàng nắm bắt và học tập, áp dụng được. Trong quá trình nuôi thì đúc kết kinh nghiệm thêm. Trong vụ nuôi tới, tôi quyết định sẽ áp dụng thử nghiệm từ 1 - 2 ao, nếu đạt hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình ra toàn bộ diện tích”.

Còn theo ông Đồng Kim Kiểng (ngụ ấp Ngọc Được, xã Hưng Thành) thì: “Tôi đã đi học hỏi nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, nhưng sau khi tham quan mô hình NTƯDCNC, tôi thấy chi phí đầu tư nhẹ hơn. Việc đầu tư ao vèo nổi, mái che đơn giản nhưng hiệu quả cao, tỷ lệ thành công tôm trong ao vèo cao, hạn chế được dịch bệnh bên ngoài. Tôi sẽ áp dụng nuôi thử trong thời gian tới”.

Khâu xử lý nước trong quá trình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Hoàng Phúc

(xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ

Vĩnh Lợi là huyện thuần nông, chủ yếu sản xuất lúa và nuôi tôm. Hiện toàn huyện còn hơn 3.900ha nuôi tôm, tập trung ở 3 xã (Hưng Thành, Long Thạnh và Hưng Hội). Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Vĩnh Lợi từng bước chuyển đổi và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng tôm nuôi. Qua chuyến tham quan học tập kinh nghiệm, huyện phát động các hộ thực hiện nuôi trình diễn mô hình NTCNC; sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và khuyến cáo nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Từ Minh Phúc - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi cho biết: “Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có một số hộ tự phát NTƯDCNC nhưng chưa đảm bảo quy trình, kỹ thuật nuôi, do đó sản lượng, chất lượng tôm chưa đạt. Sau khi tham quan mô hình NTƯDCNC ở huyện Hòa Bình, huyện sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân nuôi tôm ở các xã: Long Thạnh, Hưng Thành, Hưng Hội; khuyến cáo nông dân áp dụng mô hình NTƯDCNC trình diễn và nhân rộng trong thời gian tới với điều kiện thực tế của mỗi hộ”.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.