Huyện Hồng Dân: Những hệ lụy từ việc chậm trễ xử lý dịch tả heo châu Phi

Thứ Hai, 02/09/2019 | 16:24

Hồng Dân là huyện cuối cùng của tỉnh xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Hiện nay tình hình DTHCP trên địa huyện đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Ông Trịnh Hoài Thanh (thứ hai từ phải sang), Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thăm hỏi  người dân có heo chết do DTHCP ở huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L

Chậm công bố dịch

Theo báo cáo tình hình DTHCP của huyện Hồng Dân trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh (ngày 28/8/2019) thì dịch xuất hiện trên địa bàn huyện vào ngày 7/8/2019 tại 3 hộ ở 2 xã: Ninh Quới A, Ninh Hòa. Đến nay, huyện đã tiêu hủy gần 7.000 con heo (của 383 hộ nuôi). Tổng đàn heo của huyện còn lại là 26.897 con.

Tuy nhiên, theo thông tin mà đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh nắm được trong đợt đi khảo sát thực tế tại một số xã trên địa bàn huyện Hồng Dân, của người dân đã phát bệnh DTHCP từ ngày 25/7/2019. Và đến ngày 19/8/2019, UBDN huyện Hồng Dân mới ra quyết định công bố DTHCP trên địa bàn. Nghĩa là, khoảng 14 ngày kể từ khi ổ DTHCP đầu tiên xuất hiện thì huyện mới công bố dịch.

Ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Trong một thời gian khá dài (kể từ khi xuất hiện ổ DTHCP cho đến nay), UBND huyện vẫn chưa đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm của ổ dịch DTHCP xét nghiệm. Điều này khiến cho việc tiếp cận, nắm bắt tình hình dịch bệnh và phối hợp với huyện dập dịch gặp nhiều khó khăn”.

Lý giải cho việc chậm công bố DTHCP, lãnh đạo UBND huyện Hồng Dân cho rằng, địa phương đã ghi nhận kịp thời số heo nghi vấn mắc bệnh và đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý tiêu hủy theo quy định. Trong khi địa phương đang tổ chức thống kê để báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh, thì bất ngờ từ ngày 14/8/2019, đến nay, bệnh dịch bùng phát dữ dội nên địa phương chưa kịp thống kê, báo cáo bằng văn bản, công bố dịch theo quy định.

Huyện Hồng Dân tổ chức thu gom xác heo chết về bãi chôn lấp tập trung ở xã Ninh Quới.

Bán heo như… bán trấu

Do chậm công bố DTHCP nên một số hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện đã tìm mọi cách để bán tháo heo trong chuồng với hy vọng thu hồi chút ít vốn liếng đã đầu tư. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng thu mua đã vào sâu trong vùng dịch để tìm mua heo bị nhiễm bệnh, heo chết với giá rẻ.

Ông N.V.H (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) than thở: “Heo mình nuôi phải chăm sóc từng chút, giờ đây heo bệnh nằm ngoài chuồng phải đợi thương lái đến mua. Họ không cân heo, mà chỉ ra giá 500.000 đồng hay 1 triệu đồng/con, chủ nhà không bán thì thôi. Bán heo mà tôi tưởng mình đang bán… trấu, đau lòng lắm!”.

Một trong những nguyên nhân khiến cho DTHCP bùng phát nhanh chóng, khó kiểm soát ở huyện Hồng Dân một phần là do hệ thống thú y ở cơ sở không kiên quyết trong công tác chống dịch. Theo phản ánh của nhiều hộ dân, khi nhận được tin heo nuôi có biểu hiện lạ (nghi là nhiễm bệnh DTHCP) cán bộ thú y cơ sở không đến ngay hiện trường, mà đến khi heo… chết mới đến xem xét, ghi nhận sự việc, xử lý qua loa, dẫn đến tình trạng người dân vứt xác heo ra nhiều tuyến kênh.

Cụ thể là tại hộ ông N.Đ.M (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân), vào ngày 25/7/2019, ông M. thấy heo trong chuồng phát bệnh liền báo cho cán bộ thú y ở xã đến xử lý. Thế nhưng, khi cán bộ thú y xã đến nơi thì một số heo trong chuồng đã chết. Ông M. kể: “Khi thấy heo chết, cán bộ thú y “nhờ” gia đình tôi tự đào hố chôn xác heo chết vì… số lượng quá ít. Sáng hôm sau, gần như toàn bộ đàn heo (hơn 200 con) của nhà tôi đều bỏ ăn, và đến hôm sau nữa thì chết sạch, thiệt hại gần 200 triệu đồng”.

Do số lượng heo chết quá lớn, ông M. không thể tự đào hố chôn nên đã mang xác heo ra kênh xáng trước nhà thả trôi sông. Tương tự, nhiều hộ trong xóm có heo chết do DTHCP cũng tìm cách “giải quyết” như cách làm của ông M. Hậu quả là cả khúc sông đầy xác heo bốc lên mùi hôi thối.

Ông N.Đ.M bên khu chuồng heo trống rỗng sau khi đàn heo bị bệnh DTHCP.

Xử lý phần ngọn

Hiện nay, UBND huyện Hồng Dân cho thành lập các đội xung kích đi vớt xác heo chết ở các tuyến kênh để mang về các hố chôn tập trung, nhưng rõ ràng đây là cách làm mang tính tạm thời, là phần ngọn của vấn đề. Để không còn tình trạng người dân vứt xác heo chết xuống kênh, mương thì cái cốt lõi là cần tuyên truyền để bà con biết các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ chăn nuôi có heo bị thiệt hại do DTHCP. Đồng thời thường xuyên nắm lại số lượng tổng đàn heo ở các ấp để quản lý chặt chẽ, kịp thời xử lý dịch bệnh khi bà con trình báo.

Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng: “Để kiểm soát, xử lý tốt tình hình DTHCP, huyện cần nhanh chóng triển khai các giải pháp từ khâu quản lý tổng đàn, tiêu độc khử trùng, kiểm soát vận chuyển, giết mổ; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và phối hợp với chính quyền địa phương trong việc dập dịch. Mặt khác, cần thống kê kịp thời, khách quan đối với những hộ có heo bị chết do DTHCP để làm căn cứ hỗ trợ người dân tái đàn”.

Hy vọng, tình hình DTHCP trên địa bàn huyện Hồng Dân sẽ được kiểm soát tốt trong thời gian sớm nhất để bà con trên địa bàn huyện yên tâm chăn nuôi, sản xuất.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.