Huyện Hồng Dân: Nhiều mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 22/01/2018 | 17:03

Nắng hạn gay gắt, nước biển dâng, mưa trái mùa, rồi những cơn bão với cường độ ngày càng mạnh… được xem là biểu hiện đáng báo động của biến đổi khí hậu. Thế nhưng, người dân Đồng Chó Ngáp (huyện Hồng Dân) đã kịp thời thích ứng, mạnh dạn tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp mang lại năng suất cao.

Lúa - tôm - màu là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu ở xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân). Ảnh: K.K

Đồng Chó Ngáp trải dài trên nhiều địa danh của hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Có một thời, đất ở đây cho cũng không ai nhận. Cảnh nghèo nàn, lạc hậu đeo đẳng một thời gian dài. Từ khi chuyển đổi, thích ứng với biến đổi khí hậu, cuộc sống ở Đồng Chó Ngáp đổi thay từng ngày. Năn, lác - những loài cỏ dại đã một thời ngự trị nơi cánh đồng này, đã phải nhường chỗ cho con tôm, cây lúa - những sản vật đã và đang đem đến cho người dân đời sống ấm no.

Dọc theo tuyến kênh từ Phó Sinh đến Cạnh Đền, các ấp Nhà Lầu I, Nhà Lầu II (xã Ninh Thạnh Lợi A), hai bên là những dãy nhà khang trang. Những ngày này, từ sáng sớm đến chiều tối, trên những tuyến lộ xi-măng, lúc nào xe máy cũng lưu thông nhộn nhịp, còn dưới kênh tiếng máy nổ rộn ràng của những vỏ máy ngược xuôi vận chuyển tôm, cá. Có được diện mạo nông thôn đầy sức sống như vậy, là do người dân nơi đây đã có những điều chỉnh trong sản xuất, thích ứng với sự biến đổi của khí hậu. Ông Tăng Oai Hùng, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hồng Dân, cho biết: Trước kia, phần đông nông dân Đồng Chó Ngáp thường bỏ qua vụ lúa, chỉ tập trung nuôi tôm. Sau vài năm độc canh con tôm hiệu quả không được như mong đợi, bà con đã chuyển sang áp dụng mô hình tôm - lúa. Trồng lúa trên đất nuôi tôm chi phí đầu tư thấp nhưng năng suất ổn định, con tôm lại mau lớn và không tốn kém thức ăn.

Một năm có hai mùa: Mùa mưa nước ngọt, bà con ở đây trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh cùng các loài cá đồng. Ngược lại, mùa nắng nước mặn thì nuôi tôm sú, nuôi cua, nuôi cá… Hình thức canh tác này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao lại đảm bảo yếu tố phát triển bền vững. Điển hình như ông Trần Quốc An (ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi) là một trong những nông dân đi đầu thực hiện mô hình tôm - lúa. Trong nhiều năm qua, năm nào ông An cũng đều trúng tôm sú, tôm càng xanh cùng các loại cá cũng như lúa. Theo nhiều nông dân, mô hình lúa - tôm rất dễ làm, không đòi hỏi trình độ khoa học cao. Sau khi thu hoạch lúa xong, cho nước mặn vào, pha với nước ngọt còn lại, để nuôi tôm, nuôi cua, nuôi cá. Nước mặn vô không làm hư đất vì mặt đất còn ướt. Bà con có khoảng 6 tháng để nuôi tôm, cua hoặc các loài thủy sản khác để tăng thu nhập. Rồi khi đến mùa mưa thì tiến hành rửa mặn, trồng lúa. Thực hiện mô hình này, mỗi héc-ta ở Đồng Chó Ngáp cho năng suất tôm nuôi từ 400 - 500kg, còn năng suất lúa từ 5,5 - 6 tấn/ha. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, việc thực hiện mô hình tôm - lúa còn giúp cải thiện môi trường.

"Hiện nay, việc thực hiện mô hình tôm - lúa kết hợp với nuôi các loài thủy sản khác không quá khó vì đã thuận lòng dân. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng mà chính quyền và ngành chuyên môn cần làm chính là công tác quy hoạch, bố trí mô hình sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên; đồng thời tăng cường công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”, ông Trần Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi khẳng định.

Từ thực tế ở Đồng Chó Ngáp, có thể thấy, một khi đã nhìn nhận đúng bản chất vấn đề để đưa ra những giải pháp phù hợp, sản xuất nông nghiệp không dễ bị tổn thương, mà trái lại còn có thể phát triển bền vững hơn. Cũng giống như Đồng Chó Ngáp - vốn được xem là vùng đất khó đã chứng minh hiệu quả bền vững trong điều kiện thời tiết biến đổi khắc nghiệt.

TUẤN KIỆT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.