Huyện Đông Hải: Tập trung phát triển nghề nuôi trồng thủy sản

Thứ Sáu, 30/11/2018 | 16:23

Bên cạnh việc khai thác, đánh bắt thủy sản, huyện Đông Hải còn có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản (NTTS). Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo sản xuất huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển NTTS để góp phần đạt tổng sản lượng khai thác, đánh bắt và NTTS ước cả năm 2018 là 135.690 tấn, đạt 104,3% kế hoạch và tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Cải tạo ao đầm để nuôi tôm.

Nông dân ở huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi thâm canh - bán thâm canh. Ảnh: L.D

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả

Huyện Đông Hải có tổng diện tích NTTS hơn 39.367ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh trên 3.899ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp (QCCTKH) 35.384ha, còn lại là nuôi các loại thủy sản khác. Tổng sản lượng NTTS năm 2018 đạt 70.900 tấn, tăng trên 110% so với cùng kỳ.

Năm 2018, với việc khuyến khích nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp, cũng  như đẩy mạnh liên kết sản xuất nên nhiều mô hình NTTS tiếp tục mang lại hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao. Đơn cử như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho năng suất bình quân 55 tấn/ha, tổng chi phí đầu tư từ 600 - 700 triệu đồng/ao/vụ/1.000m2, lợi nhuận bình quân 200 - 300 triệu đồng/ao/vụ/1.000m2. Nhiều mô hình liên kết sản xuất khác cũng được nông dân áp dụng như: Mô hình nuôi tôm QCCTKH ít thay nước sử dụng vi sinh; tổng diện tích thực hiện liên kết, tiêu thụ tôm nguyên liệu là 1.741ha (gồm 511 hộ), tập trung ở nhiều ở xã Định Thành, Long Điền Đông, Long Điền, Điền Hải…

Việc liên kết sản xuất và áp dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị con tôm và đảm bảo đầu ra sản phẩm. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Thiên Phú thu mua trên 15 tấn tôm nguyên liệu của nông dân xã Định Thành với giá cao hơn thị trường 15.000 - 30.000 đồng/kg; đồng thời một số vùng nuôi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Organic (tôm hữu cơ)…

Vẫn còn nhiều khó khăn

Lĩnh vực NTTS tuy có phát triển nhưng thiếu bền vững; cơ cấu ngành, lĩnh vực sản xuất chuyển dịch còn chậm; NTTS còn nhiều rủi ro, thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh. Một số mô hình NTTS hiệu quả nhưng nguồn vốn đầu tư tương đối cao, nên việc nhân rộng mô hình cho người dân gặp khó khăn. Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả chưa cao; hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng tuy thường xuyên nạo vét nhưng vẫn chưa đáp ứng việc cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất…

Bên cạnh đó, chi phí thực hiện mô hình lớn, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh; giá vật tư đầu vào theo xu hướng tăng. Một số hộ nuôi tôm chưa tuân thủ lịch thời vụ sản xuất của ngành chức năng, còn nóng vội trong việc thả giống trên những diện tích đã bị thiệt hại trong khi chưa xử lý triệt để về môi trường, mầm bệnh tồn lưu. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong cải tạo ao nuôi, xả chất thải, nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước vẫn còn. Sự gắn kết giữa các hộ nuôi tôm chưa chặt chẽ; việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành công - thất bại trong nuôi tôm còn nhiều hạn chế, chưa mang tính cộng đồng trong sản xuất.

Cùng với đó, tiến độ thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn chậm, chưa phù hợp với tiềm năng của vùng; quản lý chuỗi giá trị trong sản xuất thủy sản còn nhiều bất cập; tình trạng ép giá vẫn còn diễn ra phổ biến. Việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất cấm trong NTTS vẫn diễn ra. Tình trạng bơm chích tạm chất vào tôm nguyên liệu và sử dụng tôm có chứa tạp chất để chế biến, xuất khẩu vẫn còn. Hàng giả, hàng kém chất lượng, không nằm trong danh mục vẫn được buôn bán trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả NTTS.

Tăng cường chỉ đạo

 Để khắc phục những yếu kém trong NTTS và khai thác có hiệu quả thế mạnh này, phấn đấu tổng sản lượng NTTS năm 2019 đạt 77.000 tấn (trong đó tôm 47.500 tấn, cá và thủy sản khác 29.500 tấn), Ban chỉ đạo sản xuất huyện Đông Hải sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển một số mô hình sản xuất có hiệu quả. Đó là mô hình nuôi tôm QCCTKH ít thay nước có sử dụng chế phẩm vi sinh; nuôi nhiều giai đoạn; nuôi tôm sạch đạt chuẩn quốc tế (ASC, Ogranic...); nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (của Công ty CP, Tập đoàn Việt - Úc…). Đồng thời chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản; giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình tôm nuôi; hướng dẫn bà con nuôi tôm theo hướng bền vững; quản lý tốt môi trường ao nuôi, bảo vệ diện tích đang nuôi…

Song song đó, khuyến khích các hộ có điều kiện về vốn và kinh nghiệm sản xuất phối hợp thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn kết với các doanh nghiệp hoặc trang trại, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Thành lập câu lạc bộ nuôi tôm siêu thâm canh nhằm trao đổi kinh nghiệm trong việc mua con giống, vật tư phục vụ quá trình nuôi; thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở mức giá cao, sản xuất tôm sạch. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp mở rộng thu mua sản phẩm thủy sản, nông nghiệp, nhất là mô hình liên kết theo chuỗi “4 nhà” trong việc bao tiêu sản phẩm cho người dân; hỗ trợ nông dân xây dựng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm thủy sản đối với mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh. Thực hiện quy hoạch nuôi tôm theo Chỉ thị 06 của Huyện ủy về quy hoạch, đầu tư các xã phía Đông của huyện thành vùng sản xuất tập trung nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh; các xã phía Tây là vùng nuôi tôm QCCTKH theo hướng bền vững, chất lượng cao. Đồng thời tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 15/KH-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh; bảo vệ môi trường trong hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh…

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.