Huyện Đông Hải: Phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn với bao tiêu sản phẩm

Thứ Sáu, 15/11/2019 | 15:32

Phát huy thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, huyện Đông Hải vận động nhân dân liên kết với doanh nghiệp phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Đồng thời gắn việc phát triển mô hình với bao tiêu sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao.

Hiệu quả bước đầu

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, năm 2019, huyện Đông Hải đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả khá cao. Đặc biệt, các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh được nông dân phát triển mạnh; trong đó, nhiều hộ có thu nhập cao từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.

Đơn cử như hộ ông Nguyễn Hùng Anh (ấp An Điền, xã Long Điền Tây) nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích 8.000m2. Sau 100 ngày nuôi, cỡ tôm đạt từ 25 - 30 con/kg. Với sản lượng thu hoạch 16 tấn (giá bán 140.000 - 160.000 đồng/kg), ông Anh lợi nhuận trên 850 triệu đồng. Hay hộ ông Cao Văn An (ấp Gò Cát, xã Điền Hải) nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích 7.700m2/4 ao. Sau 95 ngày nuôi, cỡ tôm đạt từ 23 - 28 con/kg, sản lượng thu hoạch 15 tấn (giá bán 140.000 - 160.000 đồng/kg), ông An lợi nhuận trên 800 triệu đồng…

Cùng với phát triển các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, huyện Đông Hải đã thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải gồm 20 thành viên, vốn điều lệ 730 triệu đồng. HTX đã ký hợp đồng và được Công ty Tôm miền Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cũng còn tồn tại nhiều khó khăn do chi phí thực hiện mô hình lớn, giá vật tư đầu vào theo xu hướng tăng, người nuôi tôm chưa tiếp cận được vốn vay. Cùng với đó là quy trình kỹ thuật nuôi phức tạp; tình trạng ô nhiễm môi trường trong cải tạo ao, xả chất thải, nước thải trực tiếp ra môi trường không qua ao lắng ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Sự gắn kết giữa các hộ nuôi tôm chưa chặt chẽ; việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi còn nhiều hạn chế, chưa mang tính cộng đồng trong sản xuất cũng như bán sản phẩm sau thu hoạch. Giá tôm nguyên liệu chưa ổn định, có thời điểm xuống thấp làm ảnh hưởng đến sự phát triển mô hình…

Giới thiệu kỹ thuật ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao cho nông dân huyện Đông Hải. Ảnh: L.D

Tổ chức lại sản xuất

Để tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, huyện Đông Hải sẽ tập trung công tác chỉ đạo và tổ chức lại sản xuất. Trong đó, phối hợp với các ngành, UBND các xã, thị trấn thông báo lịch thời vụ, kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên tôm, triển khai tập huấn quy trình nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt việc xử lý chất thải, nước thải qua ao lắng, hệ thống xử lý biogas.

Tiếp tục thành lập HTX nuôi tôm siêu thâm canh nhằm trao đổi kinh nghiệm về mua các sản phẩm giống, vật tư phục vụ quá trình nuôi; thực hiện giải pháp đầu ra sản phẩm theo hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở mức giá cao, sản xuất tôm sạch. Khuyến khích các hộ có điều kiện về vốn và kinh nghiệm sản xuất phối hợp thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn, gắn kết với các doanh nghiệp hoặc trang trại, tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, quản lý từ huyện đến cơ sở. Phân công cán bộ bám sát địa bàn nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân. Lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp khoa học - kỹ thuật, quỹ hỗ trợ nông dân… đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn.

Huyện đang chỉ đạo các ban ngành, các xã trên địa bàn phát huy hiệu quả đầu tư từ các công trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nhất là hạ tầng cơ sở vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh (tập trung ở xã Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Tây). Tiếp tục nâng cấp, đầu tư xây dựng mới hệ thống lưới điện và giao thông nông thôn để đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.

Hồ Thanh Tuấn

(Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.