Huyện Đông Hải: Nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả

Thứ Sáu, 15/02/2019 | 14:48

Thời gian qua, huyện Đông Hải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm 2018, huyện Đông Hải phát triển mạnh các mô hình nuôi trồng thủy sản và không ngừng phát huy thế mạnh kinh tế mũi nhọn này.

Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi thâm canh - bán thâm canh.

Đơn vị chức năng kiểm tra thuốc thú y thủy sản tại một cơ sở kinh doanh ở huyện Đông Hải. Ảnh: L.D

Nuôi tôm sinh thái

Một trong những mô hình nuôi tôm sinh thái phát triển mạnh ở huyện Đông Hải trong năm qua là nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp (QCCT-KH) với hơn 35.384ha, chiếm trên 90% diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện. Bằng hình thức sản xuất đa canh, đa con, nuôi ghép các loại thủy sản theo hướng bền vững, chất lượng cao, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu…, mô hình này không ngừng phát huy hiệu quả, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập.

Trong đó, mô hình QCCT-KH ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh được nhân rộng ở hầu hết các xã trong huyện. Mô hình này cho năng suất bình quân 550 - 650kg tôm, cua/ha/năm; lợi nhuận bình quân khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha/năm (cao hơn so với mô hình nuôi tôm QCCT-KH truyền thống). Cá biệt, có hộ lợi nhuận trên 90 triệu đồng/ha như: hộ ông Hồ Văn Út, ông Nguyễn Công Sở, ông Hồ Hoàng Kiếm, ông Trương Tự Do, ông Lương Văn Bé (xã Định Thành, huyện Đông Hải). Cái hay của mô hình này là gắn kết nông dân với các công ty, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đầu tư và bao tiêu sản phẩm, thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết “4 nhà”. Đến nay, đã có 354 hộ trên địa bàn huyện thực hiện liên kết, tiêu thụ tôm nguyên liệu theo chuỗi giá trị với diện tích hơn 1.109ha.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, mô hình này cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là diện tích vùng nuôi lớn trong khi bờ bao không giữ được nước, chưa cải tạo triệt để; thời tiết thay đổi bất thường, có những tháng mưa dầm kết hợp với không khí lạnh kéo dài ảnh hưởng môi trường ao nuôi; nhiều hộ nuôi thả tôm giống chưa qua kiểm dịch nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh; vẫn còn hộ nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh chưa đúng quy trình hướng dẫn nên chưa mang lại hiệu quả...

Ứng dụng công nghệ cao

Một mô hình nuôi tôm khác đã và đang phát triển mạnh ở huyện Đông Hải là nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh (TC-BTC) với tổng diện tích trên 3.899ha. Trong đó, diện tích thả giống tôm sú TC-BTC 1.900ha, cho năng suất 3,2 tấn/ha, sản lượng 6.080 tấn; diện tích thả giống tôm thẻ thâm canh 1.962ha, năng suất 8 tấn/ha, sản lượng 15.696 tấn. Nông dân áp dụng mô hình này chủ yếu theo quy trình nuôi của các công ty đã áp dụng thành công trước đó.

Cụ thể như nuôi theo quy trình của Công ty CP là hình thức nuôi có ao ương, ao nuôi được che lưới, đáy ao trải bạt. Công ty CP hỗ trợ kỹ thuật hộ nuôi trong suốt quá trình nuôi tôm; cung cấp thức ăn, thuốc, tôm giống. Mật độ thả tôm từ 200 - 300 con/m2, thời gian nuôi 90 - 120 ngày, năng suất bình quân 55 tấn/ha/vụ. Tổng chi phí xây dựng hoàn chỉnh ao nuôi ban đầu khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha; tổng chi phí sản xuất 1,2 - 1,4 tỷ đồng/ha/vụ; lợi nhuận bình quân 600 - 800 triệu đồng/ha/vụ. Qua đánh giá, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt tỷ lệ thành công 85%. Các hộ áp dụng thành công mô hình này là hộ ông Cao Văn An (xã Điền Hải), ông Trần Văn Lợi (xã Long Điền), ông Tạ Phước Guôl (xã Long Điền Đông)…

Còn quy trình của Công ty Việt - Úc là nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong nhà kín, đáy ao nuôi có trải bạt. Công ty hỗ trợ nhà, bạt, con giống và kỹ thuật nuôi. Ao nuôi có diện tích nhỏ (khoảng 200 - 700m2); chi phí xây dựng ao ban đầu 0,8 - 1 tỷ đồng/ha. Mật độ thả nuôi từ 200 - 300 con/m2; thời gian nuôi 90 - 120 ngày; cỡ tôm thu hoạch 30 - 50 con/kg; năng suất bình quân 55 tấn/ha/vụ. Tổng chi phí sản xuất 1 - 1,2 tỷ /ha/vụ; lợi nhuận bình quân từ 600 - 900 triệu đồng/ha/vụ; tỷ lệ nuôi thành công là 80%.

Tăng cường đầu tư, quản lý

Năm 2019, huyện Đông Hải sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất trên cho người dân, góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; thực hiện Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 28/11/2016 của UBND huyện về thực hiện Chỉ thị 06-CT/HU ngày 9/3/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc quy hoạch, đầu tư để các xã phía Đông phát triển thành vùng sản xuất tập trung nuôi tôm TC-BTC; các xã phía Tây là vùng nuôi tôm QCCT-KH theo hướng bền vững, chất lượng cao. Chú trọng phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các hộ có điều kiện về vốn và kinh nghiệm sản xuất phối hợp thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn gắn kết với các doanh nghiệp hoặc trang trại nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu…

Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Đồng thời khuyến cáo nông dân nên mua giống ở những cơ sở có uy tín, giống phải qua kiểm dịch, xét nghiệm trước khi thả nuôi; không mua các loại giống trôi nổi, chưa qua kiểm dịch; không sử dụng các loại hóa chất trong danh mục cấm của Bộ NN&PTNT.

Huyện sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và kết hợp với các ngành chức năng của tỉnh tăng cường  kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y, thủy sản trên địa bàn. Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các viện, trường đại học về hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt là phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh công nghệ cao, làm tốt công tác tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ cho người dân.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.