Huyện Đông Hải: Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Thứ Sáu, 24/05/2019 | 15:26

Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020; đến nay, qua 3 năm triển khai thực hiện, huyện Đông Hải đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: K.T

Tăng lợi nhuận

Thời gian qua, huyện Đông Hải đã tập trung ban hành nhiều chính sách, giải pháp như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Chỉ thị 06-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy (khóa XII) về quy hoạch, đầu tư để các xã phía Đông phát triển thành vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh; các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp theo hướng bền vững, chất lượng cao… Đồng thời, xác định các đối tượng sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển như: tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nhuyễn thể trong nuôi trồng thủy sản; tôm, mực, bạch tuộc, cá thu, cá đù trong khai thác hải sản; heo, gia cầm và dê trong chăn nuôi; muối chất lượng cao; phát triển, nâng cao chất lượng rừng trong lâm nghiệp… Đặc biệt là tập trung khuyến khích, xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác và liên kết hợp tác.

Kết quả qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị đều đem lại hiệu quả cao. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2018 đạt 135.690 tấn, tăng 12,4% so với năm 2016. Phần lớn nông dân sản xuất mang lại lợi nhuận cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình từ 30 - 40 triệu đồng/ha, do được cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại giống, vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp; được hướng dẫn về quy trình sản xuất, cách quản lý, tổ chức sản xuất mang tính cộng đồng, được bao tiêu sản phẩm. Đối với doanh nghiệp thì chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại giống, chất lượng sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn.

Vẫn còn gặp khó

Cùng với những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế biển, huyện Đông Hải cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Vốn đầu tư thấp, kéo dài nhiều năm dẫn đến điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng phục vụ còn lạc hậu, bất cập, khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; năng lực phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn hạn chế.

Một số lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành còn bất cập, nhất là lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nông sản hàng hóa; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn thường xuyên xảy ra, gây nguy hại cho người tiêu dùng và gây thiệt hại đối với sản xuất của nông, ngư dân. Việc hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo còn chưa bền vững.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn diễn ra còn chậm; trình độ dân trí của nông, ngư dân và khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất còn thấp; nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường còn hạn chế…

Bên cạnh đó, các yếu tố đầu vào của sản xuất luôn biến động theo chiều hướng tăng, chất lượng không đảm bảo, trong khi giá cả nhiều mặt hàng nông sản còn thấp, một số sản phẩm khả năng cạnh tranh kém, khó tiêu thụ; công tác dự báo thị trường, định hướng cho người sản xuất còn bất cập; giá cả thị trường các mặt hàng nông, thủy sản và dịch vụ nông thôn vẫn chưa có chính sách điều tiết hợp lý của Nhà nước. Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững…

Vận chuyển nguyên liệu thủy sản từ mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá ở huyện Đông Hải.

Tăng cường đầu tư

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03, từ nay đến năm 2020, huyện Đông Hải sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các đề án, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc, quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tiếp cận được các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước; tạo động lực để đưa sản xuất nông nghiệp huyện lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu thông qua tiếp tục tổ chức triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực cho phù hợp với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản và muối. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.

Tập trung chỉ đạo phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nhuyễn thể, muối thực phẩm chất lượng cao...), các sản phẩm có triển vọng phát triển, xây dựng và hướng dẫn nông, ngư dân tuân thủ khung lịch thời vụ sản xuất, quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến để hạn chế rủi ro; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, xuất khẩu, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn thực phẩm. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu (cả đầu vào và đầu ra). Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Tăng cường đầu tư vốn cho phát triển sản xuất và phát triển hệ thống thủy lợi, nâng cao năng lực phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của toàn xã hội, phát huy cao nội lực, tranh thủ ngoại lực, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bảo đảm sinh kế cho người dân và phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu…

Trần Bảo

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.