Hướng đến xây dựng vùng chuyên canh hoa màu, cây ăn trái

Thứ Hai, 26/08/2019 | 17:05

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất để hình thành những vùng chuyên canh hoa màu, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu từ nông nghiệp.

Nông dân xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) chăm sóc rẫy hoa màu. Ảnh: C.L

HÌNH THÀNH VÙNG CHUYÊN CANH

Để hình thành những vùng chuyên canh sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân từ khâu cải tạo đất, chọn giống cây trồng phù hợp, đồng thời tập huấn kỹ thuật canh tác chuyên biệt cho từng loại cây trồng. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh hiện nay đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh hoa màu và cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: vùng chuyên canh rau cần nước ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long), trồng bắp và dưa hấu ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long); vùng trồng cây ăn trái ở xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân); vùng trồng màu, thanh nhãn ở TP. Bạc Liêu… Những vùng chuyên canh góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 - 2 lần trở lên. Đơn cử, cánh đồng chuyên canh rau màu đã trở thành “điểm nhấn” góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) trong nhiều năm qua. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành được vùng chuyên canh rau màu với diện tích hơn 10ha, sản xuất luân canh 4 vụ/năm.

Theo phòng NN&PTNT huyện Phước Long, các loại rau màu sản xuất trên vùng chuyên canh, năng suất bình quân hằng năm đều tăng từ 10 - 15% so với sản xuất đại trà. Qua đánh giá thực tế, cùng một loại giống, được áp dụng phương pháp “4 cùng” nên quá trình tổ chức sản xuất thuận lợi, giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Chủ trương xây dựng vùng chuyên canh rau màu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân từ những ngày đầu triển khai. Qua đó, nông dân trong vùng sản xuất đều nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học và các quy trình mới vào sản xuất. Anh Đỗ Hoài Anh (ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh hoa màu mà hiện nay đời sống của bà con ở đây đã ổn định hơn trước. Riêng gia đình tôi có 3 công đất trồng màu cho thu nhập ổn định nên cũng rất phấn khởi”. Nhờ có vùng chuyên canh rau màu, giá trị sản xuất bình quân cũng đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài rau màu, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng đang dần hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái. Dọc theo sông Cái Lớn của xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân), cây bưởi và nhiều loại cây ăn trái khác đã “bén duyên” với vùng đất này từ khá sớm. Năm 2010, địa phương có chủ trương phá vườn tạp trồng cây ăn trái. Nhiều nông dân trong huyện, trong đó có xã Ninh Hòa đã mạnh dạn ra sức cải tạo vườn tạp và nhận cây giống về trồng. Giờ thì những vùng đất phèn mặn ngày nào nay đã được phủ xanh bởi màu của những vườn cây ăn trái. Ông Trần Hoàng Khởi (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) nói: “Lúc trước cứ nghĩ đất nhiễm phèn nặng chắc trồng cây gì cũng không sống nổi nên tôi bỏ phế cho cây dại mọc um tùm. Nhưng nhờ chính quyền địa phương xây dựng vùng chuyên canh mà giờ tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ vườn cây ăn trái”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, đến nay diện tích vườn tạp được cải tạo để trồng cây ăn trái ở huyện đã lên đến 1.000ha. Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng trước đó trên cùng một đơn vị diện tích. Xác định các loại cây ăn quả có múi khác là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo thương hiệu và đặc sản riêng của địa phương, huyện đã đề ra mục tiêu tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới.

GIẢI PHÁP CHO HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG

Trong định hướng phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó rau màu đi theo hướng chuyên canh, lựa chọn cây lợi thế, có thị trường ổn định, phối kết hợp với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch và khung lịch thời vụ; ổn định vùng chuyên trồng lúa nước, nhưng có sự chuyển dịch mô hình 3 vụ lúa ở các khu vực khó khăn về nguồn nước ngọt sang mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu, phát triển các loại màu trên đất ruộng sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường; xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (măng tây, ngò rí lấy hạt và các loại rau, củ, quả khác). Thực hiện điều tiết nước hợp lý, linh hoạt gắn với điều chỉnh cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng; từng bước triển khai xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao 1.350ha; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt, nhất là các sản phẩm chủ lực (lúa, gạo chất lượng cao và đặc sản; rau, quả an toàn sinh học).

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, việc xây dựng vùng chuyên canh có hiệu quả hay không thì mấu chốt vẫn là đầu ra, là thị trường. Nếu có đầu ra ổn định thì không cần hỗ trợ, bà con vẫn mở rộng diện tích. Ngược lại, không có đầu ra thì dù có được trợ giá cây giống hay phân bón, bà con cũng sẽ không thực hiện.

Xác định hướng đi bền vững cho những vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái cũng là mối quan tâm lớn của ngành Nông nghiệp tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Ông Trương Phước Hiền, Phó phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Xác định rõ hướng phát triển sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, an toàn, tiến tới sạch, triển khai những mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hoa màu và một số loại cây trồng khác. Để đạt được mục tiêu đó, huyện đã đề ra các giải pháp về quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về điện, giao thông, thủy lợi cho các vùng chuyên canh; cử cán bộ chuyên môn đi đào tạo về khoa học - kỹ thuật, mời nông dân đi tham quan mô hình; tăng cường liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất”.

Thực tế sản xuất ở nhiều địa phương đã khẳng định hiệu quả kinh tế của những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Đó là người dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với chuỗi liên doanh, liên kết sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao.

KHÔI NGUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.