Hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ Tư, 24/07/2019 | 15:20

Với vai trò là một bộ phận quan trọng cấu thành của nền nông nghiệp, ngành chăn nuôi có đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Hiện nay, theo xu thế của một nền nông nghiệp đang tái cơ cấu, nhất là trong tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp, đòi hỏi ngành chăn nuôi cần có những bước đi mới theo hướng phát triển bền vững.

>> Bài 2:  Phải thay đổi để phát triển

Bài cuối: Tập trung tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng an toàn

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) bùng phát và lây lan trên diện rộng, việc bố trí, quy hoạch lại ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Tỉnh đã có Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đây là cơ sở để quy hoạch vùng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý và hạn chế dịch bệnh phát sinh. Về vấn đề này, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết:

Thực hiện Quyết định số 1013 ngày 22/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Hiện nay, đối tượng vật nuôi chủ lực là heo, gia cầm, trâu, bò; vật nuôi mới là chim yến, cá sấu. Năm 2018, tổng đàn heo của tỉnh là 249.285 con, sản lượng đạt 51.550 tấn, số lượng đầu con tăng chậm nhưng sản lượng tăng nhanh do áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi. Hiện nay, do xuất hiện bệnh DTHCP nên tổng đàn heo còn khoảng 142.000 con, giảm gần 50% tổng đàn so với cuối năm 2018; đàn gia cầm đến tháng 7/2019 là 2.938.450 con; đàn trâu, bò là 3.578 con; đàn dê là 10.591 con, tiếp tục phát triển so với các năm trước…

Về phương thức tổ chức sản xuất, ngành chăn nuôi của tỉnh đã từng bước thay đổi, từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại; chăn nuôi an toàn sinh học và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Cán bộ thú y phun thuốc sát trùng vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

PV: Để phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp đã quy hoạch ngành chăn nuôi và khuyến khích hộ chăn nuôi theo mô hình nào, thưa ông?

Ông Lưu Hoàng Ly: Thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi, ngành Nông nghiệp đã quy hoạch và xác định đối tượng vật nuôi chủ lực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của DTHCP, trước mắt không tái đàn heo mà hướng dẫn bà con chăn nuôi phát triển đàn gia cầm, đàn bò; chỉ phát triển đàn heo khi dịch bệnh được khống chế.

Về phát triển đàn gà, đối với giống hướng trứng (giống gà Hyline hoặc Brown Nick) đang được ưa chuộng và có hiệu quả cao; đối với giống hướng thịt, phát triển theo 2 hướng: gà thịt công nghiệp cao sản và gà thịt (giống gà Bình Định, gà Lương Phượng, Tam Hoàng...). Phát triển đàn vịt giống hướng trứng, phát triển các giống vịt đang được ưa chuộng và mang lại hiệu quả cao như: Khaki Cambell, CV 2000 Layer…; đối với giống vịt hướng thịt, phát triển giống CV Super Meat, giống vịt biển 15 (nuôi ở vùng mặn).

Ngành Nông nghiệp khuyến khích các hộ chăn nuôi phát triển theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại và ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học; chăn nuôi liên kết theo chuỗi sản phẩm (từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm); liên kết hình thành các hợp tác xã chăn nuôi; liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp để bảo đảm bao tiêu sản phẩm.

Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học ở huyện Hòa Bình. Ảnh: M.Đ

PV: Trước tình hình DTHCP xuất hiện trên diện rộng, xin ông cho biết ngành Nông nghiệp tỉnh đã có những giải pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh lây lan?

Ông Lưu Hoàng Ly: Tính đến ngày 19/7/2019, DTHCP đã xuất hiện ở 512 hộ, với 148 khóm, ấp của 38 xã, phường, thị trấn thuộc 6/7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (ngoại trừ huyện Hồng Dân). Tổng số heo bệnh, chết và tiêu hủy là 9.080 con, tổng trọng lượng là 596.751kg. Qua đây cho thấy tình hình DTHCP trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động cao. Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh (PCDB), cụ thể như sau:

Đối với huyện Hồng Dân - địa phương chưa xảy ra DTHCP, phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo PCDB cấp huyện chỉ đạo cụ thể các xã, thị trấn thống kê nắm tổng đàn heo thực tế tại địa phương (số lượng heo, số hộ nuôi, số lượng trang trại trên địa bàn) để giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi. Nếu phát hiện heo nghi mắc bệnh DTHCP thì lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và xử lý, tiêu hủy, đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi theo quy định; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi về công tác PCDB. Cần hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại và khuyến cáo trong thời gian có dịch không tái đàn để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện và các chốt kiểm dịch động vật ở đầu mối giao thông giáp các tỉnh lân cận có khả năng vận chuyển heo từ vùng có dịch bệnh vào địa bàn. Tăng cường kiểm tra các lò giết mổ heo, vận chuyển, mua bán sản phẩm heo trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; duy trì thực hiện sát trùng, tiêu độc diện rộng lần 2. Xây dựng kế hoạch kinh phí vật tư PCDB không để bị động, bất ngờ khi có dịch bệnh xảy ra…

Đối với các huyện, thị xã, thành phố đang có DTHCP, ngoài thực hiện các giải pháp như trên thì cần tập trung thực hiện thêm một số giải pháp như: Xử lý ổ dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, nếu phát hiện heo có triệu chứng bệnh DTHCP thì tổ chức tiêu hủy kịp thời (đối với các xã đã lấy mẫu xét nghiệm dương tính không cần lấy mẫu nữa; còn những xã chưa lấy mẫu xét nghiệm, nếu có heo mắc bệnh nghi DTHCP thì lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và xử lý theo quy định). Khoanh vùng dịch, xác định vùng uy hiếp, vùng nguy cơ cao để có giải pháp phòng chống cụ thể. Thành lập đội tiêu hủy, thực hiện sát trùng ổ dịch và vùng an toàn dịch bệnh riêng; thành lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn heo và sản phẩm heo từ vùng có dịch ra ngoài vùng không có dịch. Sớm hoàn thành các thủ tục hỗ trợ người có heo buộc tiêu hủy theo quy định; không để gian lận, khiếu kiện trong tiêu hủy, hỗ trợ. Vận động người dân chăn nuôi theo phương thức trang trại, gia trại, an toàn sinh học. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ; kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đội kiểm tra liên ngành các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm xuất nhập tỉnh, buôn bán tại các chợ. Thực hiện tốt phương châm “Phát hiện nhanh, bao vây, khống chế và xử lý gọn” không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Đạt (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.