Giá các mặt hàng thủy sản tăng: Nông dân vừa mừng, vừa lo

Thứ Sáu, 06/03/2020 | 15:32

Ngay sau khi bùng phát dịch COVID-19, Trung Quốc đóng các cửa khẩu thông thương với nước ta để kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước, vì vậy các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam không tìm được đầu ra và giá cả cũng bắt đầu lao dốc. Sau một thời gian dài rớt giá. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mặt hàng thủy sản như tôm, cua, cá… đã bắt đầu tăng giá trở lại.

Nông dân TP. Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi áp dụng quy trình công nghệ cao.

Tại Bạc Liêu, từ sau Tết Nguyên đán 2020, giá cua thịt đã giảm hơn một nửa, từ 650.000 đồng/kg cua gạch (loại ngon) giảm xuống còn 260.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg từ 105.000 đồng/kg xuống còn 90.000 đồng/kg; giá các mặt hàng thủy sản khác (tùy loại) cũng giảm trung bình từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Song, gần một tuần nay, giá các mặt hàng thủy sản sản đã tăng trở lại. Cụ thể, giá cua gạch loại nhất đã tăng lên 350.000 - 370.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg tăng lên 95.000 đồng/kg; loại 80 con/kg tăng lên 107.000 đồng/kg… Mặc dù giá có tăng nhưng nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng khi thương lái chỉ mua “cầm chừng” chứ không dám thu mua với số lượng lớn. Thế nên, nhiều hộ nuôi tôm, cua vẫn chưa dám thả nuôi vụ mới, hoặc chỉ nuôi số lượng ít để chờ giá ổn định.

Anh Nguyễn Văn Hiền (xã Long Điền, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Tôi có 3 ao nuôi, nhưng từ sau tết đến nay, giá tôm nguyên liệu liên tục giảm nên tôi chỉ nuôi 1 ao. Mấy ngày nay nghe thông tin giá tôm tăng, tôi và bà con nuôi tôm rất mừng. Hy vọng là thời gian tới giá cả sẽ ổn định để người dân yên tâm sản xuất”.

Mặt hàng cua biển đã tăng giá trở lại. Ảnh: C.L

Theo các thương lái, giá cả các mặt hàng tôm, cua nhích lên là do các doanh nghiệp chế biến thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới và chế biến các mặt hàng xuất khẩu chất lượng cao để tìm cơ hội thâm nhập các thị trường lớn như Úc, EU… Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì giá cả có thể biến động, thay đổi bất cứ lúc nào.

Đứng trước tình hình thực tế này, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã đưa ra những khuyến cáo kịp thời việc điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu lại đối tượng thả nuôi để giảm áp lực cho nông dân và cả doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời tăng cường nghiên cứu, tìm những mô hình mới, thích ứng để khuyến khích nông dân áp dụng. Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, cho biết: “Tuy giá các mặt hàng nông, thủy sản có chiều hướng tăng trở lại nhưng huyện vẫn khuyến cáo bà con không nên thả nuôi đồng loạt. Ở một số nơi, huyện khuyến khích bà con chuyển sang các hình thức canh tác như thả nuôi tôm trên đất rừng, nuôi cua lồng, nuôi sò huyết… để có thu nhập ổn định trong lúc chờ dịch COVID-19 qua đi”.

Cùng với đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giữa nông dân và doanh nghiệp cũng đem lại lợi ích cho cả hai phía. Điển hình như Hợp tác xã 30/4 (huyện Hòa Bình) ký kết sản xuất, bao tiêu với Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Âu Vững đã giúp tôm nuôi của các thành viên trong hợp tác xã có đầu ra ổn định, giá bán hợp lý, không bị tư thương ép giá từ khi dịch COVID-19 xảy ra cho đến nay.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc chưa vội bước vào vụ nuôi tôm hoặc chỉ nuôi với diện tích vừa phải sẽ giúp bà con chủ động trong sản xuất. Đồng thời tránh được tình trạng cung vượt cầu dẫn đến giá tôm nguyên liệu lao dốc như thời gian qua.

 Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.