Đừng lãng phí nguồn tài nguyên nước

Thứ Sáu, 07/09/2018 | 15:15

Với một tỉnh có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp thì nguồn nước trở thành yếu tố quan trọng nhất cho phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này lâu nay bị khai thác một cách lãng phí, để lại những hậu quả nặng nề. Đó là ô nhiễm nguồn nước, tụt giảm nguồn nước và đẩy nhiều nơi vào cảnh “khát nước”.

Nông dân sử dụng nước tưới hoa màu.

Khai thác quá mức

Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường, trên địa bàn tỉnh có hơn 130.000 giếng khoan nước dưới đất quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình. Việc khai thác nguồn nước ngầm ngoài phục vụ sinh hoạt còn phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt…

Để cung cấp nước sạch cho người dân, Bạc Liêu có 2 nhà máy cấp nước đô thị gồm 11 giếng khoan công nghiệp, với tổng lưu lượng khai thác khoảng 19.000m3/ngày đêm cấp cho khoảng 25.000 hộ dân (khu vực TP. Bạc Liêu). Có 96 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn gồm 110 giếng công nghiệp với tổng lưu lượng khai thác 17.000m3/ngày đêm, cấp cho khoảng 45.475 hộ dân (khu vực các huyện, thị xã). Bên cạnh đó, còn có khoảng 150 cơ sở (công ty, doanh nghiệp) khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất và hàng trăm cơ sở khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ sinh hoạt với lưu lượng khai thác 15.000m3/ngày đêm…

Trong những năm gần đây, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dân số tăng, cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là mùa khô kéo dài, nhiệt độ tăng cao nên nhu cầu sử dụng nước ngầm rất lớn. Tổng lưu lượng khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 400.000m3/ngày đêm và 100% người dân sử dụng trong sinh hoạt chủ yếu từ nguồn nước ngầm. Đó là chưa kể đến nhiều vùng nông thôn đã lạm dụng và khai thác nguồn nước ngầm gần như quá mức, đặc biệt là các khu vực nuôi trồng thủy sản cần nhiều nước ngọt để hạ độ mặn trong các ao tôm, kéo theo việc bơm nước gần như cả ngày lẫn đêm, nhất là vào mùa hạn, khi nắng nóng kéo dài.

Sự lạm dụng và khai thác theo kiểu triệt để này đã làm cho tầng chứa nước pleistocen giữa - trên, quân bình mỗi năm tụt giảm 0,5m. Có thể nói, đây là một nguy cơ đáng báo động về sự tụt giảm, cạn kiệt nguồn nước dưới đất đối với địa phương.

Người dân sử dụng bơm chìm khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm ở huyện Đông Hải. Ảnh: L.D

Cần bảo vệ nguồn tài nguyên nước!

Tồn tại bất cập trên bao gồm nhiều nguyên nhân. Hiện toàn tỉnh chỉ có 1 trạm quan trắc nước dưới đất nên việc theo dõi diễn biến về số lượng, chất lượng nguồn nước còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ quản lý từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cán bộ xã, phường, thị trấn vừa thiếu lại vừa yếu (chủ yếu kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo); sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ. Một số cấp ủy đảng và chính quyền xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đến công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước, còn mang tư tưởng việc quản lý là của cơ quan chức năng nên công tác rà soát, cập nhật số lượng các cơ sở khoan giếng, cơ sở khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước chưa thường xuyên; việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm còn chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật tài nguyên nước trong một bộ phận nhân dân còn hạn chế, với quan niệm “nước là của… trời, do tự nhiên sinh ra” và “nước là vô tận”… nên việc khoan giếng và khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn tùy tiện, sử dụng máy bơm chìm, bơm hỏa tiễn để khai thác triệt để nguồn tài nguyên nước.

Theo quy định quản lý tài nguyên nước của tỉnh Bạc Liêu thì các tổ chức, cá nhân khoan giếng địa bàn nông thôn phải làm đơn, có chính quyền địa phương xác nhận và phải có sự đồng ý của Phòng Tài nguyên - Môi trường. Đối với hộ trồng rau màu theo quy định 2.000m2 trở lên thì khoan 1 giếng nước, các dự án nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp tập trung có quy mô từ 2ha trở lên thì được khoan 1 giếng nước, nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp không tập trung thì mỗi héc-ta được khoan 1 giếng nước. Đối tượng còn lại có nhu cầu khoan giếng nước thì liên hệ cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Tuy nhiên trên thực tế, khi có nhu cầu là người dân vô tư khoan giếng mới. Nếu giếng khoan lâu năm, lượng nước bị tụt giảm mạnh, không còn sử dụng thì lại bỏ phế, không tiến hành tráng lấp mà tiếp tục khoan thêm giếng mới gây ô nhiễm và thay nhau vắt kiệt nguồn nước ngầm.

Phải khẳng định rằng, nguồn tài nguyên nước là có hạn, không phải vô tận. Chất lượng nước mặt ngày càng kém khiến người dân chuyển sang khai thác nước ngầm, nhưng khai thác nước ngầm nhiều lại dẫn đến ngấm mặn và sụt lở đất… Do vậy, mỗi người cần có ý thức sử dụng tiết kiệm nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá này.

Thanh Thảo

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.