Diệt trừ rầy nâu hại lúa hè thu

Thứ Hai, 23/07/2018 | 17:04

Hiện nay, nhiều diện tích lúa hè thu trên địa bàn tỉnh nhiễm rầy nâu, có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất lúa vào cuối vụ. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang hỗ trợ bà con thực hiện các giải pháp để phòng trừ rầy hiệu quả.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có hơn 8.000ha lúa hè thu nhiễm rầy nâu, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Riêng trên địa bàn huyện Hồng Dân đã có hơn 3.000ha lúa nhiễm rầy nâu, trong đó, hơn 500ha nhiễm rầy với mật độ rất cao (hơn 10.000 con/m2).

Hầu hết lứa rầy từ 2 - 3 ngày tuổi, khả năng phun xịt diệt rầy sẽ cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, do mấy ngày qua mưa lớn kéo dài nên việc phun xịt thuốc diệt rầy của nông dân gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, do mật độ rầy cao khiến việc phun xịt thuốc 1 lần không hiệu quả (vì phần lớn rầy nâu sống sót tiếp tục đeo bám phá hại lúa). Vì vậy, đối với diện tích lúa có mật độ rầy cao, bà con nên phun xịt từ 2 - 3 lần để đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thi (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Lúc mới phát hiện rầy trên ruộng lúa, tôi liền mua thuốc bảo vệ thực vật về phun xịt. Song, vừa xịt thuốc xong thì trời đổ mưa nên thuốc bị trôi, không còn tác dụng”.

Theo đánh giá của ngành chức năng, mật độ rầy nâu rất cao và diện tích rầy phân bố khá rộng. Nếu không phun thuốc phòng trị kịp thời, rầy nâu sẽ di trú sang các ruộng lúa ở các địa phương lân cận và tiếp tục gây hại trên diện rộng.

Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các địa phương có lúa nhiễm sâu bệnh và rầy nâu để thực hiện các biện pháp phòng trị thích hợp.

Khôi Nguyên

Nông dân huyện Vĩnh Lợi phun thuốc trừ rầy nâu. Ảnh: C.L

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.