Đẩy mạnh liên kết sản xuất để tiếp sức cho người nuôi tôm

Thứ Hai, 06/04/2020 | 15:25

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất khẩu tôm tạm ngừng nên giá tôm giảm sâu. Tuy nhiên, hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp với đối tác vẫn duy trì. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới giá tôm sẽ tăng trở lại, vì vậy người nuôi tôm không nên bỏ vụ, treo ao. Đây là thời điểm để người nuôi tôm liên kết thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để tạo ra vùng nhiên liệu, lượng hàng hóa đủ lớn để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương (thứ tư từ trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (thứ hai từ phải sang) xem tôm nuôi từ mô hình sinh thái của HTX Tiền Phong vào tháng 3/2020 (chưa có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ).

Để giúp người nuôi tôm không "treo" ao trong thời điểm tôm giảm giá mạnh, nhiều công ty, doanh nghiệp đã có những chính sách ưu đãi để đồng hành cùng người nuôi tôm như: hỗ trợ con giống, thức ăn tôm, các chế phẩm sinh học và hỗ trợ kỹ thuật…

Điển hình là Công ty Vinhthinh Biostadt cung cấp chuỗi cung ứng và dịch vụ cho người nuôi tôm từ con giống sạch bệnh, kỹ thuật ương vèo siêu thâm canh (giữ cho tôm khỏe mạnh, không nhiễm bệnh gan tụy, đốm trắng trong 30 ngày đầu tiên thả nuôi) cho đến quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi tôm. Ngoài ra, Vinhthinh Biostadt còn có đội ngũ nhân viên tư vấn kỹ thuật nuôi và xét nghiệm, sẵn sàng phục vụ và hỗ trợ người nuôi tôm trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thịnh Biostadt: “Khi bà con sử dụng sản phẩm hay mua tôm giống của Vinhthinh Biostadt thì được ưu đãi nhiều quyền lợi để giảm chi phí sản xuất. Công ty cũng cung cấp miễn phí dịch vụ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn kỹ thuật và xét nghiệm”.

Đại diện Công ty Thiên Phú (bìa phải) báo cáo tình hình xuất khẩu tôm với lãnh đạo tỉnh (thời điềm tháng 3/2020).

Tập đoàn Việt - Úc (một trong những doanh nghiệp chiếm thị phần tôm giống khá lớn của cả nước) cũng có những chính sách hỗ trợ người nuôi tôm. Ông Bùi Bá Sự, Phó tổng Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Việt - Úc, cho biết: “Trước tình hình dịch COVID-19, giá tôm nguyên liệu giảm, không ít hộ dân định bỏ vụ, "treo" ao. Để khuyến khích bà con nuôi tôm đón đầu cơ hội, Tập đoàn sẽ có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm. Tôi nghĩ, sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người nuôi tôm sẽ tạo nên sức mạnh để vượt qua những khó khăn trước mắt”.

Theo các chuyên gia Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khả năng trong thời gian tới, khi hết dịch COVID-19, giá tôm nguyên liệu sẽ tăng trở lại. Vì vậy, các hộ nuôi tôm cần liên kết thành lập các THT, HTX để duy trì vụ nuôi tôm đón giá.

Việc liên kết nông dân thành lập THT, HTX sẽ tạo nên sản lượng lớn, dễ dàng ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp. Đơn cử là HTX Nuôi trồng thủy sản Tiền Phong (có 121 hộ thành viên với gần 300ha nuôi tôm, xã Định Thành, huyện Đông Hải) được Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Xuất nhập khẩu Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú) bao tiêu 100% sản phẩm (giá thu mua cao hơn ngoài thị trường từ 20.000 - 30.000 đồng/kg tôm) và hỗ trợ kỹ thuật cho HTX. Vì thế, dù giá tôm giảm nhưng xã viên HTX vẫn an tâm sản xuất.

 Nông dân thu hoạch tôm nuôi theo mô hình sinh thái (được Công ty Thiên Phú bao tiêu sản phẩm). Ảnh: M.Đ

Công ty Thiên Phú đang hợp đồng bao tiêu sản phẩm 1.300ha tôm nuôi cho nông dân trong tỉnh. Bà Hồ Thị Kiểng, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Phú, cho biết: “Muốn phát triển bền vững, điều doanh nghiệp quan tâm trước hết là chất lượng sản phẩm và thương hiệu. Khi sản phẩm đảm bảo chất lượng và thương hiệu thì doanh nghiệp quan tâm đến số lượng. Muốn vậy, phải xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái gắn với bao tiêu sản phẩm cho bà con. Sau đó Công ty mời tổ chức Liên minh châu Âu đến đánh giá, chứng nhận thương hiệu quốc tế”.

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó khăn do hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, đồng thời phải mua sản phẩm của người nuôi tôm theo hợp đồng bao tiêu nên lượng hàng tồn kho còn rất lớn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ngành Điện cũng cần gia hạn thời gian thu tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

Đạt Linh

------------------------------------------------------------

Phát biểu tại buổi thăm HTX Nuôi trồng thủy sản Tiền Phong (HTX thực hiện chuỗi liên kết), Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương cho rằng đây là mô hình rất hay và thực hiện đúng hướng theo chỉ đạo của tỉnh. Mô hình này khắc phục được việc sản xuất manh mún, ổn định sản xuất, giá sản phẩm cao, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Song, theo dự báo, ngành Nông nghiệp sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất so với các ngành. Vì vậy, đây là dịp để doanh nghiệp và THT tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và nâng giá trị gia tăng. Trong khó khăn thì có cơ hội riêng, phải biến nguy cơ thành thời cơ.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.