Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và liên kết trong tiêu thụ lúa gạo

Thứ Hai, 15/01/2018 | 15:23

Cùng với con tôm, sản xuất lúa được xếp vào một trong những thế mạnh kinh tế của tỉnh. Vì vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất sẽ là giải pháp quan trọng được tập trung chỉ đạo trong năm 2018. Trong đó, đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết sản xuất được coi là giải pháp mang tính quyết định nhằm khai thác có hiệu quả giá trị mang lại từ cây lúa.

Nông dân huyện Hồng Dân phun xịt thuốc phòng trừ rầy nâu.

Nông dân huyện Phước Long tự vận chuyển lúa bán cho thương lái do không có đường giao thông. Ảnh: L.D

SẢN XUẤT GẶP KHÓ

Năm 2017, diện tích gieo trồng lúa thực hiện hơn 181.460ha, đạt 101% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ và cho tổng sản lượng lúa hơn 1.062.000 tấn, đạt 100% kế hoạch và tăng 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vụ đông xuân 2016 - 2017 cho năng suất khá cao với bình quân đạt hơn 7 tấn/ha, tổng sản lượng trên 333.250 tấn, còn lại là lúa hè thu và lúa mùa...

Vụ mùa năm 2017 tuy không ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, nhưng cũng phải đối đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ quá trình biến đổi khí hậu. Cụ thể ở vụ hè thu, một số nơi năng suất chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha, do vào đầu vụ bị ốc bươu vàng tấn công. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng mưa lớn làm cho khoảng 2.415ha lúa hè thu gieo sạ từ 10 - 25 ngày tuổi bị ngập nước. Cũng như vào giai đoạn cuối vụ, dưới tác động của gió mùa tây nam đã gây mưa liên tục và làm đổ ngã trên 10.590ha...

Song, ngoài những khó khăn mang tính khách quan, về chủ quan thì nhiều nơi nông dân vẫn chưa mạnh dạn ứng dụng những quy trình, mô hình sản xuất mới mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo. Đó là nông dân vẫn thích sử dụng lượng giống gieo sạ khá cao với 150kg/ha và diện tích này chiếm 21,72% diện tích gieo trồng của tỉnh. Rồi nạn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn so với khuyến cáo. Việc làm này không chỉ gây lãng phí tiền của, khó phòng trừ dịch bệnh, mà còn gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù khi áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng” giúp nông dân giảm chi phí đầu tư và lợi nhuận tăng thêm từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha, do giảm được lượng giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

HƯỚNG ĐẾN NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Năm 2017, thông qua việc xây dựng các mô hình liên kết hợp tác sản xuất cho nông dân, Bạc Liêu đã thu hút gần 10 doanh nghiệp, HTX tham gia thu mua lúa gạo cho nông dân với sản lượng lúa được bao tiêu trên 24.170ha và chiếm 13,2% tổng diện tích gieo trồng. Qua đó cho thấy, diện tích được bao tiêu còn khá khiêm tốn và chưa thể giúp nhiều về đầu ra sản phẩm cho người nông dân. Tồn tại khó khăn trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn nằm ở hạ tầng và năng lực của các doanh nghiệp. Cụ thể, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm bơm điện tập trung chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển sản xuất và vận chuyển hàng hóa, nhiều vùng nông thôn doanh nghiệp không thể đưa ghe lớn vào mà phải tận dụng đội ngũ thương lái vào thu mua và vận chuyển lúa làm cho chi phí phát sinh tăng cao. Thêm vào đó, đội ngũ các doanh nghiệp, HTX thu mua lúa gạo còn hạn chế về năng lực tài chính, nhất là vốn lưu động và phương tiện nên khó cạnh tranh với các “cò lúa”, làm cho các hợp đồng bao tiêu bị phá vỡ khi giá lúa tăng cao. Ngoài ra, tuy Bạc Liêu có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư, sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, nhưng việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi còn hạn chế. Đồng thời, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu trồng trọt năm 2017 còn chậm, do thiếu kinh phí thực hiện...

Những khó khăn và bất cập trên đã làm cho sản xuất lúa năm qua tuy có tăng trưởng nhưng không cao (chỉ hơn 2%), chứa đựng nhiều rủi ro, thiếu bền vững và các mối liên kết vẫn chưa thật sự phát huy, hiệu quả mang lại chưa nhiều. Do vậy, cùng với giải pháp tập trung tháo gỡ các bất cập nêu trên, cần tăng cường đầu tư thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu trồng trọt tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

TÚ ANH

Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho ngành trồng trọt, từ nay đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ tập trung vào các mục tiêu quan trọng sau:

- Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo cơ chế thị trường, đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; sản xuất ngành trồng trọt có tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển sản xuất trồng trọt phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến; tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

- Tái cơ cấu ngành trồng trọt phải theo chiều sâu, tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững bằng việc tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), hữu cơ, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

- Phát triển sản xuất trồng trọt phải trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học về giống, công nghệ sinh học, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Phát triển sản xuất trồng trọt phải gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, cùng với nguồn nhân lực được đào tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao.

- Phát triển sản xuất trồng trọt phải đảm bảo huy động cao các nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế và chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Phấn đấu đến năm 2020: Giá trị sản xuất trồng trọt (theo giá so sánh năm 2010) đạt 7.106,51 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1,53%/năm. Sản lượng lương thực đạt 1.114.400 tấn, trong đó lúa 1.100.000 tấn, bắp 14.400 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 1.223,5kg/năm; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 28 triệu USD; giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt bình quân đạt 76,96 triệu đồng.

NGUYỄN THI (tổng hợp)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.