Đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền mùa mưa bão

Thứ Hai, 13/08/2018 | 16:46

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối năm 2018 sẽ có khoảng 8 - 10 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông và có khoảng 4 cơn bão đổ bộ vào đất liền. Để bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền khi xuất hiện thời tiết nguy hiểm trên biển, các cơ quan chức năng của tỉnh, địa phương đã xây dựng các biện pháp cụ thể để ứng phó.

 Chiến sĩ Đồn biên phòng Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) phối hợp với các Hội, đoàn thể địa phương kiểm tra, nhắc nhở ngư dân trước khi ra khơi.

 Ngư dân Gành Hào (huyện Đông Hải) bốc dỡ tôm cá từ tàu lên cảng sau chuyến ra khơi. Ảnh: C.L

Chủ động ứng phó

Thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại về người và phương tiện khi gặp nạn trên biển. Thường xuyên mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; nâng cao chất lượng đăng kiểm định kỳ; tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi ra khơi. Nhiều địa phương thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để ngư dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi không may gặp rủi ro.

Hiện nay, hệ thống thông tin liên lạc giữa Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản… đã kết nối với các địa phương, các chủ tàu, các đài thông tin duyên hải, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và Trung ương nhằm hỗ trợ ngư dân trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Mấy ngày qua, dù thời tiết khá bất lợi, mưa nhiều nhưng hoạt động tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) diễn ra khá tấp nập. Ông Liên Văn Lợi (chủ tàu cá Đức Lợi, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Dù biển động hay êm, chúng tôi vẫn phải ra khơi. Mùa mưa bão thì ra khơi vất vả hơn so với những lúc biển lặng, nhưng bù lại lượng tôm, cá đánh bắt nhiều hơn. Cũng có chuyến biển động quá không thả lưới được đành phải quay vào bờ chịu lỗ vốn. Nghề biển của chúng tôi là vậy, phải sống chung và đương đầu với gió bão!”.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.150 phương tiện đăng ký, đăng kiểm hoạt động nghề biển, trong đó hơn 550 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Các tàu có công suất dưới 90CV thường sử dụng các máy thông tin liên lạc tầm gần, tầm trung, công suất từ 5 - 25W, hoạt động trong bán kính 10 - 50 hải lý. Đối với các tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90CV, ngư dân thường sử dụng máy thông tin liên lạc tầm xa, công suất từ 100 - 250W. Đây là loại máy thu phát hiện đại, tầm hoạt động lên tới hàng ngàn hải lý.

Ông Hồ Thanh Định (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) nói: “Tàu của chúng tôi luôn nghiêm chỉnh thực hiện các yêu cầu của ngành quản lý về trang bị các phương tiện cần thiết. Đồng thời, tôi còn trang bị thêm các thiết bị an toàn, cứu nạn, phương tiện bảo vệ cho người và tàu cá (như phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang thiết bị phòng cháy - chữa cháy, chống va đập, chống chìm)...”.

Còn đó những nỗi lo

Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 14 trường hợp tàu cá bị sự cố trên biển làm chìm và hư hỏng 5 phương tiện, mất tích 11 người và làm hư hại nhiều tài sản giá trị khác. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển trên của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là các phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển của tỉnh không thể ra biển thực hiện hoạt động cứu nạn trong điều kiện thời tiết xấu (gió từ cấp 5 - 6 trở lên); thiếu cán bộ chuyên trách; lực lượng cứu hộ còn yếu về chuyên môn; thiếu trang thiết bị sơ cấp cứu tại chỗ; nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn còn hạn hẹp…

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, cho biết: “Do tỉnh chưa có phương tiện cứu hộ chuyên dụng nên khi ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển phải nhờ đến các trung tâm tìm kiếm và cứu nạn của các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu còn xem nhẹ, chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn trước khi ra khơi”.

Thực tế cho thấy, công tác PCLB&TKCN đối với tàu thuyền trên biển thì khâu “phòng” là chính, còn khâu “chống” phải nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Vì vậy, để thực hiện tốt chủ trương “vươn khơi bám biển làm giàu, góp phần bảo đảm chủ quyền biển, đảo quê hương” cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn về người và phương tiện đánh bắt thủy sản. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với các chủ phương tiện không thực hiện các quy định khi ra khơi đánh bắt thủy hải sản.

Khôi Nguyên

--------------------------------------------------

Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ trướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020 nêu: Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thành lập, quản lý quỹ phòng chống thiên tai; chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống và phương án ứng phó tương ứng từng loại hình, cấp độ rủi ro thiên tai; trong đó đặc biệt quan tâm đến các kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn và nắng nóng, hạn hán.

Tiếp tục củng cố lực lượng, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Chỉ đạo rà soát, tăng cường quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước ở các khu dân cư, đô thị tại khu vực ven sông, đảm bảo hạn chế rủi ro do thiên tai. Kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của đê điều, hồ đập, thiết bị phục vụ xả lũ, phương tiện, vật tư dự phòng để chủ động ứng phó khi có sự cố và đảm bảo an toàn công trình. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.