Chung tay bảo vệ rừng phòng hộ

Thứ Sáu, 10/05/2019 | 15:29

Với quá trình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, Bạc Liêu là một trong những tỉnh của khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là triều cường dâng và xâm nhập mặn.

Chặt cây rừng làm củi và cất chòi sinh hoạt trong rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu. Ảnh: L.D

Với vị trí địa lý nằm giáp biển, vừa là cơ hội cho Bạc Liêu phát triển mạnh về kinh tế biển, nhưng cũng vừa là thách thức khi triều cường, xâm nhập mặn và sạt lở bờ biển vốn trở thành vấn đề nóng của khu vực ĐBSCL hiện nay.

Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy, triều cường, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng ngàn hộ dân ven biển. Đặc biệt, tình trạng sóng to, gió lớn và sạt lở đã làm cho nhiều công trình bị hư hỏng nặng với tổng mức thiệt hại hàng trăm tỷ đồng (như các công trình kè). Để chủ động ứng phó với các khó khăn này, cùng với những giải pháp công trình thì việc đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển được xác định là giải pháp quan trọng và bền vững nhất. Bởi vai trò của rừng phòng hộ ven biển đã được chứng minh ở khả năng chống sạt lở, gây bồi, hạn chế sự xâm thực của nước biển, chắn sóng, chắn gió và góp phần bảo vệ các công trình xây dựng cơ bản ven biển. Cũng như tạo nên hệ sinh thái rừng và làm “cái nôi” cho sự phát triển, sinh sản của nhiều loại thủy hải sản từ nhiều mô hình sản xuất dưới tán rừng…

Với tầm quan trọng đó, việc trồng mới và bảo vệ rừng có ý nghĩa đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu lâu nay cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và nhiều nơi diện tích rừng bị giảm. Một trong những khó khăn ấy chính là nhiều hộ dân đã sống dựa vào rừng và chủ yếu là hộ nghèo, dân di cư tự do. Vì vậy, nhận thức về bảo vệ rừng rất hạn chế, kéo theo tình trạng xâm hại rừng để mưu sinh là phổ biến. Đó là nạn đào sâm đất gây chết cây rừng, chặt cây rừng dựng nhà, làm củi… Ngoài ra, cây rừng còn bị chết do ứ nước nuôi tôm và phục vụ cho các mô hình nuôi trồng thủy sản khác.

Để bảo vệ rừng, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm và các địa phương ven biển đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ rừng. Đơn cử như năm 2018, Chi cục Kiểm lâm đã kết hợp với các địa phương tổ chức hơn 750 cuộc tuyên truyền cho trên 5.000 lượt người về tầm quan trọng của rừng đối với quá trình biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời, Hạt kiểm lâm các địa phương còn phối hợp với Công an địa phương thành lập 17 tổ tự quản về an ninh trật tự rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn huyện Hòa Bình. Các tổ tự quản này đã góp phần giúp cơ quan quản lý trong việc phát hiện, đấu tranh và phòng chống nạn chặt phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép…

Nhờ tập trung làm tốt công tác này, năm qua ngành quản lý chỉ phát hiện 7 vụ phá rừng trái pháp luật, phạt trên 14 triệu đồng, so với cùng kỳ giảm 23 vụ. Riêng 5 tháng của năm 2019 chưa phát hiện vi phạm nào về phá rừng và đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng cần được ngành quản lý, các địa phương tiếp tục phát huy.

Với tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển hơn 3.000ha và diện tích này cần được tiếp tục mở rộng. Bởi qua khảo sát thực tế, ở nhiều khu vực ven biển hiện nay rừng phòng hộ đã bị giảm hoặc bị chết chòm lõm, ngoài nguyên nhân do chặt phá, xói lở, còn bị ảnh hưởng do chính quá trình sản xuất tạo ra. Do vậy, ngành quản lý và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, có giải pháp, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại gây chết rừng, đặc biệt là tiến hành thu hồi đất rừng đối với những hộ sản xuất gây chết rừng trên diện rộng. Đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những tập thể, cá nhân có nhiều cách làm, mô hình hay trong việc mở rộng và phát triển diện tích rừng. Song song đó, tăng cường đầu tư cho việc trồng mới và khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia trồng rừng, nhất là các dự án phát triển năng lượng tái tạo ven biển, dự án phát triển du lịch sinh thái rừng…

TÚ ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.