Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 16/10/2017 | 16:54

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng của Việt Nam bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Đầu tháng 10/2017, triều cường dâng làm ngập cục bộ ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, làm thiệt hại nặng nề về tài sản và xáo trộn cuộc sống người dân.

Triều cường dâng gây ngập, ảnh hưởng đến lưu thông trong nội ô TP. Bạc Liêu.

Tuyến đường Trần Phú (TP. Bạc Liêu) bị ngập nặng do triều cường dâng. Ảnh: M.Đ

Thiệt hại nặng nề

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 0,5°C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai có xu hướng gia tăng về tần số lẫn cường độ. BĐKH khiến thiên tai, bão lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Theo kịch bản BĐKH, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng từ 2 - 3°C, nước biển dâng thêm 78 - 100cm. Nếu mực nước biển dâng 100cm, sẽ có trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng, hơn 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. HCM có nguy cơ bị ngập. Riêng các tỉnh ĐBSCL sẽ có khoảng 35% dân số bị ảnh hưởng và nguy cơ mất 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.

Đợt triều cường đầu tháng 10/2017 vừa qua,  các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ở Bạc Liêu, mực nước triều cường vượt báo động III ở trạm Gành Hào (huyện Đông Hải) là 2,15m. Các tuyến đường ven sông, các tuyến cao trình thấp ở TP. Bạc Liêu như đường Cao Văn Lầu, Hà Huy Tập, Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu… bị ngập cục bộ. Trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc phường 1, phường Hộ Phòng, Phường Láng Tròn (TX. Giá Rai), khu vực gần thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) bị ngập nặng.

Theo số liệu của Đài Khí tượng - thủy văn Bạc Liêu, từ nay đến cuối năm 2017 sẽ xuất hiện các đợt triều cường biển Đông và mức triều cường dâng mạnh dần đến cuối năm. Đỉnh điểm cao nhất của triều cường trong năm 2017 dự báo xảy ra vào ngày 6/12/2017 với mức 2,1m tại khu vực cửa sông Gành Hào (vượt mức báo động III). Tuy nhiên, nếu vào thời điểm triều cường dâng kèm theo mưa, gió bão… thì mực nước sẽ dâng cao hơn.

Các giải pháp ứng phó

Tác động của BĐKH đối với Việt Nam và ĐBSCL là rất lớn. Để đối phó với các hiểm họa nước biển dâng, nước ta đã, đang và sẽ xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để kiểm soát, giảm thiệt hại do nước dâng. Khu vực ĐBSCL cũng có kịch bản ứng phó BĐKH chung của cả đồng bằng. Bạc Liêu cũng có 4 kịch bản ứng phó với BĐKH. Theo các kịch bản này, nếu mức nước biển dâng từ 0,3 - 1m thì có hơn 69% diện tích tự nhiên của tỉnh bị ảnh hưởng. Tuy các kịch bản chỉ mang tính dự báo, song những điều đang diễn ra cho thấy những dự báo hoàn toàn có thể xảy ra và mức độ có thể còn nguy hiểm hơn.

Theo đó, Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất UBND tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH về quản lý; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách để tăng cường năng lực quản lý môi trường và ứng phó với BĐKH. Quy hoạch hệ thống đê; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quy hoạch vùng chăn nuôi… Đặc biệt là xây dựng phương án chắn sóng gió, triều cường; quy hoạch trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ. Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, chú ý loại rừng thích hợp với điều kiện BĐKH và nước biển dâng trong tương lai để giảm thiểu tác động của BĐKH. Tập trung bảo tồn và phát triển tại cộng đồng các giống vật nuôi, cây trồng và thủy sản bản địa thích nghi tốt với các điều kiện BĐKH. Ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất nhằm làm giảm lượng khí thải ra, giảm nguy cơ hiệu ứng nhà kính…

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, cho biết: “Những tháng cuối năm 2017 sẽ xuất hiện nhiều đợt triều cường. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiến nghị UBND TX. Giá Rai khẩn trương triển khai công tác chống tràn tạm thời ở các khu vực bị ngập để ứng phó với triều cường dâng, bảo vệ vùng ngọt ổn định. Nâng cấp các tuyến đường nội ô ở phường Láng Tròn, phường 1, phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai). Đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh bố trí nguồn kinh phí nâng cấp cao trình bờ bao hạ lưu các cống Giá Rai, Nọc Nạng, Hộ Phòng (TX. Giá Rai) để kịp thời ứng phó với triều cường dâng. Bên cạnh đó, ngành chức năng, các địa phương kịp thời thông báo cho người dân biết về các đợt triều cường để chủ động phòng chống, đồng thời triển khai công tác ứng phó”.

Minh Đạt

Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH toàn cầu (IPCC) có khuyến cáo các quốc gia 3 biện pháp cơ bản để ứng phó. Đó là: Bảo vệ hệ thống đê điều kiên cố ngăn ngừa xâm nhập mặn, tôn cao đất đai và các công trình ven biển để đối phó với nước biển dâng cao. Thích nghi, tức là cải tạo cơ sở hạ tầng và chuyển đổi tập quán sinh hoạt, canh tác của người dân hay nói cách khác là “chung sống”. Tái định cư, tức là di dời cơ sở hạ tầng ra khỏi khu vực nguy hiểm lên vùng cao hơn, vào sâu trong lục địa, có nghĩa là  “bỏ đất”.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.