CHỦ ĐỘNG “SỐNG CHUNG” VỚI HẠN, MẶN

Thứ Sáu, 08/05/2020 | 17:38

Biến các nguy cơ trở thành thời cơ và chủ động “sống chung” với biến đổi khí hậu (BĐKH) là câu chuyện không mới. Tuy nhiên, làm thế nào để “sống chung” và “sống được” vẫn còn là câu chuyện đáng bàn, nhất là vai trò chủ thể của người nông dân vẫn chưa được phát huy.

Nông dân huyện Hồng Dân cắt bỏ lúa vụ 3 vì nhiễm mặn. Ảnh: L.D

Ngọt ít, mặn nhiều

Trong 10 năm trở lại đây, Bạc Liêu luôn phải đau đầu vì câu chuyện tranh chấp mặn - ngọt, bởi với điều kiện sinh thái đặc thù, vừa phát triển được con tôm, vừa trồng được cây lúa. Với 3 vùng sinh thái ngọt, mặn và lợ đã tạo cho Bạc Liêu lợi thế cạnh tranh riêng mà không phải địa phương nào cũng có được. Song, để phát huy thế mạnh của từng tiểu vùng trong điều kiện BĐKH, trong đó hạn hán, xâm nhập mặn chính là thách thức mà Bạc Liêu phải đương đầu thì câu chuyện phát triển bền vững cần được đem ra phân tích và làm rõ. Qua đó, đánh giá đúng các tiềm năng, lợi thế và chỉ ra các nguy cơ, thách thức, nhằm có ngay các giải pháp ứng phó theo hướng chủ động và thích ứng.

Một trong những thách thức đó chính là nhiều địa phương và bản thân người nông dân chưa nhận thấy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển bền vững. Người dân vẫn còn duy trì tập quán, hình thức canh tác cũ mà sản xuất lúa 3 vụ là một minh chứng. Có nhiều địa phương ở các huyện như: Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long... gần như sản xuất xuyên suốt 3 vụ lúa/năm. Trong khi đó, có những năm ngành Nông nghiệp khuyến cáo không nên tập trung xuống giống và chỉ nên làm 2 vụ ăn chắc, nhưng nông dân vẫn bất chấp các khuyến cáo với lý do: “làm lúa 2 vụ không sống nổi”. Bằng chứng là ở vụ đông xuân này, mặc dù ngành Nông nghiệp đã cảnh báo hạn, mặn và thiếu nước ngọt, nhưng nông dân nhiều nơi vẫn tập trung xuống giống và hậu quả là nhiều diện tích lúa bị “chết trắng”.

Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy, để phục vụ cho sản xuất lúa vụ 3, nhiều nơi áp dụng mô hình ô đê bao khép kín, nhằm giữ lại nguồn nước ngọt. Trong khi, nguồn nước “bị nhốt” ấy đã bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật từ vụ lúa trước đó. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho cạn kiệt nguồn cá đồng vốn rất dồi dào, nhất là vào mùa mưa nhiều cánh đồng ngập tràn nước và được thông với nhau qua hệ thống thủy lợi và kênh nội đồng.

Một vấn đề quan trọng khác, việc giữ nước trong hệ thống ô đê bao khép kín tuy có lợi thế là ngăn xâm nhập mặn, giữ được nước vào mùa khô. Thế nhưng, nếu không vận hành linh hoạt theo hướng xả thải để tháo chua, rửa phèn mặn; lấy và tích nước ngọt từ hệ thống kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp vào các đợt vận hành hệ thống thủy lợi về lâu dài sẽ làm cho diện tích canh tác mất đi sự màu mỡ mang tính tự nhiên. Từ đó nông dân phải tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ trong việc làm tăng độ dinh dưỡng cho đất, mà việc sử dụng phân bón hóa học là chủ yếu.

Sản xuất nông nghiệp hướng đến nâng cao giá trị

Thực tiễn ở các vùng chuyên lúa của khu vực ĐBSCL cho thấy, nông dân đã tranh thủ nguồn nước đổ về từ thượng nguồn, nhất là vào mùa lũ để làm giàu cho đất. Nghĩa là sau khi lũ rút để lại rất nhiều dưỡng chất trên đất và nông dân không cần phải tốn tiền đầu tư cho phân bón. Các chất dinh dưỡng ấy đã góp phần tạo nên sản phẩm lúa sạch và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu - đây là một trong những nguyên nhân các tỉnh đầu nguồn nghiêm cấm nông dân khai thác bán đất mặt ruộng. Trong khi ở các tỉnh cuối nguồn, nông dân hay bán đất mặt ruộng để bỏ đi những lớp đất bị ô nhiễm do lạm dụng hóa chất, nhất là khu vực đất bị nhiễm mặn do nằm xen với khu vực nuôi tôm phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cây lúa phát triển.

Điều đáng nói, những năm gần đây, xu thế mặn ngày càng gia tăng và ngọt ngày càng giảm dần. Do vậy, việc sản xuất lúa 3 vụ/năm cần được ngành quản lý và các địa phương quan tâm, nghiên cứu theo hướng khuyến khích nông dân chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân sử dụng các loại giống chất lượng cao, có giá trị kinh tế thay vì như sản xuất lâu nay chỉ chạy theo năng suất mà bỏ quên chất lượng. Chẳng hạn như các giống lúa chất lượng cao được nông dân của tỉnh chọn trồng như hiện nay, giá gạo chỉ bán khoảng 10.000 đồng/kg, trong khi gạo thơm ST 24, 25 lại được bán với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Qua đó cho thấy, giá trị kinh tế mới là cái mà nông dân cần hướng đến, thay vì vất vả canh tác quanh năm như hiện nay và đất bị khai thác triệt để, không có thời gian nghỉ.

Giải quyết được khó khăn này, bản thân người nông dân sẽ hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn nước ngọt, nhất là trong những năm thời tiết cực đoan không thuận lợi cho sản xuất lúa. Nhưng muốn được như vậy, cơ cấu mùa vụ phải được xây dựng theo hướng thích ứng, linh hoạt và đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân.

Với những tác động tiêu cực mang lại từ BĐKH, đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng đã và đang làm ảnh hưởng đến sinh kế của hàng ngàn hộ dân sinh sống. Do vậy, việc nghiên cứu và có ngay các giải pháp ứng phó là rất cần thiết. Tuy nhiên, để các giải pháp mang tính khả thi, ngoài các giải pháp về công trình thì việc nâng cao ý thức của cả cộng đồng cũng phải được chú trọng. Để “sống chung” với BĐKH, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, tuân thủ lịch thời vụ và cùng chung tay phát triển bền vững.

Kim Trung

Cảnh báo sụt lún đất

Sụt lún và sạt lở đất ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Ảnh: Phong Phú

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học: Từ năm 1991 - 2016, khu vực ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18cm do khai thác nước ngầm. Tốc độ sụt lún trung bình hiện nay do khai thác nước ngầm là 1,1cm/năm, đặc biệt có những nơi sụt lún 2,5cm/năm. Trong đó các địa phương có tốc độ sụp lún nhanh là tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, mà một trong những nguyên nhân chính là lạm dụng, khai thác quá mức nguồn nước ngầm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, nhất là sự phát triển của nghề nuôi tôm.

Với mức độ sụt lún nhanh như hiện nay, nếu so với kịch bản dự báo về nước biển dâng của Bộ TN-MT đưa ra cho khu vực ĐBSCL với dự báo trung bình khoảng 3mm/năm. Theo đó, đến cuối thế kỷ 21 là 74cm và 75cm cho vùng Biển Đông và Biển Tây thì thấy rằng: Quá trình sụt lún của ĐBSCL diễn ra nhanh hơn, tác hại nhiều hơn so với nước biển dâng. Đây thật sự trở thành vấn đề đáng cảnh báo và cần có ngay các giải pháp ứng phó khi trong những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 1.100 điểm sụt lún, sạt lở đất, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và đẩy 13.500 hộ dân vào cảnh thiếu nước ngọt do hạn, mặn...

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.