Chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão

Thứ Hai, 09/07/2018 | 15:36

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2018 có từ 12 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Do đó, việc triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên cả nước, trong đó có tỉnh Bạc Liêu, trở nên cấp thiết hơn bao giờ.

Lực lượng chức năng phường 8 (TP. Bạc Liêu) đón người dân trở về sau những ngày tập trung trú tránh bão vào thời điểm cuối năm 2017.

Các nhà từ thiện cấp phát quần áo cho người nghèo ở nơi tránh trú bão Tembin trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: H.T

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Sau cơn bão Tembin xảy ra hồi cuối năm 2017, tỉnh Bạc Liêu trải qua một cuộc tổng “diễn tập”. Có nhiều bài học kinh nghiệm được các cấp, các ngành, địa phương rút ra sau đợt ứng phó này. Cụ thể là việc phòng chống thiên tai luôn cần có sự chỉ đạo thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền. Việc huy động tối đa lực lượng xung kích gồm: Quân đội, Công an, Biên phòng, Đoàn Thanh niên…, bố trí lực lượng phù hợp trên từng địa bàn để phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, cứu hộ cứu nạn; bảo vệ sản xuất, an ninh trật tự, bảo vệ cơ sở hạ tầng, khu du lịch, khu di tích… là yếu tố quan trọng trong phòng chống bão, là điều kiện tốt cho xử lý kịp thời các tình huống do bão gây ra.

Các sở, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án ứng phó bão, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Tất cả tiến hành theo nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” nhằm giảm đáng kể thiệt hại do bão gây ra.

SỰ VÀO CUỘC CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP 

Với vai trò Phó ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết kế hoạch, phương án PCTT&TKCN đã được các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh triển khai trước mùa mưa bão năm 2018. Kinh phí dùng cho công tác PCTT&TKCN đã được dự trù đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về các loại thiên tai và ứng phó với sự cố thiên tai… đang được tiến hành liên tục. Nhờ vậy, ý thức của cán bộ và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó các loại thiên tai từng bước được nâng cao.

Do xu hướng thiên tai ngày càng diễn ra khắc nghiệt nên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị, trong nội dung kế hoạch, phương án của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng theo từng cấp độ rủi ro thiên tai, đối với từng loại thiên tai để khi xuất hiện ở cấp độ nào thì ứng phó phù hợp với cấp độ đó. Cần thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các đội xung kích, đội sơ cấp cứu tại chỗ và lưu động… Cùng với đó, các cấp, các ngành và địa phương khi xây dựng mới trụ sở làm việc, trường học, các cơ sở hạ tầng khác phải tính đến sự phối hợp trưng dụng tập trung dân sơ tán tránh trú bão. Về vấn đề này, ông Huỳnh Quốc Ca, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết cơ quan này đã xây dựng xong kế hoạch kiểm định chất lượng công trình phục vụ tập trung sơ tán dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của công dân. Cùng với công tác kiểm định là hướng dẫn nhân dân cách chằng chống nhà cửa khi có bão đổ bộ.    

Ông Lương Ngọc Lân cho biết thêm, chủ trương của tỉnh là đề nghị các chủ tàu cá phải tự trang bị máy phát trực canh, máy định vị qua vệ tinh VINASAT cho tàu thuyền của mình khi hoạt động trên biển để lực lượng chức năng dễ dàng cung cấp thông tin cũng như kêu gọi tàu thuyền. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đề nghị các nhà mạng viễn thông đưa tóm tắt các bản tin dự báo thiên tai (nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, sống thần) vào sóng điện thoại di động phục vụ miễn phí cho cộng đồng để người dân chủ động phòng tránh.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có quyết định thành lập đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV “về tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” đối với Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh. Đối với nội dung giám sát, ngoài những kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, việc tổ chức thực hiện nghị quyết..., Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương phải rút ra bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trên địa bàn mình. 

CÔNG TÁC SẴN SÀNG ỨNG PHÓ CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

Là lực lượng có nhiệm vụ chính trong tìm kiếm cứu nạn trên biển, Đại tá Lưu Hoàng Hà, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, cho biết: “BĐBP tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN của BĐBP; đồng thời chỉ đạo các đồn, hải đội trực thuộc thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN ở cấp mình và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên sẵn sàng ứng phó, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống do thiên tai, tai nạn gây ra”.

Theo Đại tá Lưu Hoàng Hà, triển khai nhiệm vụ trước mùa mưa bão năm 2018, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão, báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP thẩm định, phê chuẩn. Đồng thời hướng dẫn nhân dân cách neo đậu tàu thuyền.

BĐBP luôn chủ động lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi có tình huống đột xuất xảy ra. Ngoài ra, BĐBP còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, thống kê và bổ sung số liệu người, phương tiện hoạt động trên địa bàn để chủ động nắm và thông báo kêu gọi tàu thuyền khi có tình huống xảy ra. Khảo sát các hộ dân dọc theo tuyến biển, có thể phải di dời 450 hộ với 2.200 người khi có bão xảy ra. Lựa chọn được 16 điểm làm khu vực sơ tán dân với sức chứa 2.000 hộ dân/100.000 người. Đồng thời tiến hành 6 đợt khảo sát hệ thống đê, kè biển Nhà Mát, Gành Hào và các điểm dọc theo các cửa biển có nguy cơ bị sạt lở. Củng cố và phát huy hiệu quả hệ thống thông tin liên lạc PCTT&TKCN của đơn vị, trực đài canh 24/24 giờ; làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào làm ăn trên biển, kiên quyết không để các phương tiện ra khơi khi không đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng kiểm tra cột đèn tín hiệu báo bão và bố trí người trực đảm bảo đèn tín hiệu hoạt động 24/24 giờ để phục vụ tàu thuyền, sẵn sàng thực hiện lệnh cấm biển, bắn tín hiệu báo bão khi có lệnh.

Trong kế hoạch của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, việc duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu từ Bộ Chỉ huy đến các đơn vị cơ sở, đặc biệt là khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Lực lượng biên phòng luôn duy trì 2 tàu, 4 ca-nô thường trực cơ động thực hiện nhiệm vụ, lực lượng thường trực tại chỗ duy trì 70% quân số, nếu có bão xảy ra duy trì 100% quân số.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ TKCN, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đang đề nghị Trung ương trang bị cho BĐBP tàu cứu hộ, cứu nạn có công suất lớn cùng các thiết bị TKCN. Bởi lẽ, các phương tiện phục vụ TKCN trên biển của tỉnh hiện tại không thể ra biển hoạt động cứu nạn trong điều kiện gió cấp 5 - 6 trở lên.

TẤN ĐẠT 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.