Chủ động làm thủy lợi mùa khô

Thứ Hai, 27/03/2023 | 16:52

Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, nông dân thu hoạch dứt điểm trà lúa đông xuân, hiện nay các địa phương trong tỉnh đã và đang ra quân triển khai xây dựng các công trình thủy lợi mùa khô nhằm phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 2023, đồng thời ứng phó tình hình khô hạn có khả năng xảy ra. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, các địa phương còn tích cực vận động người dân cùng chung sức thực hiện các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Nạo vét kênh dẫn nước phục vụ sản xuất ở xã ven biển Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình).

ƯU TIÊN CHO THỦY LỢI

Ghi nhận tại các vùng ngọt ổn định trong tỉnh, dù đã bước sang những tháng mùa khô nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu khô hạn, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, để chủ động sản xuất cho vụ hè thu sắp đến, cũng như sẵn sàng các phương án ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi, hiện nay các địa phương đang chủ động thực hiện công tác thủy lợi trên địa bàn.

Theo đó, các địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực và ưu tiên bố trí vốn để thực hiện công tác thủy lợi nội đồng (chủ yếu là nạo vét kênh mương và nâng cấp, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, kết hợp làm lộ nông thôn), đảm bảo đủ nước khi khô hạn và tiêu thoát nước khi ngập úng. Công tác thủy lợi mùa khô được các địa phương triển khai sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2022 - 2023.

Ông Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Công tác làm thủy nông nội đồng là một trong những công trình, phần việc được huyện ưu tiên thực hiện hằng năm. Bởi, nếu không tiến hành nạo vét, duy tu, cải tạo thường xuyên thì các kênh rạch rất nhanh bị bồi lắng và làm hạn chế dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tiêu thoát nước, dẫn nước phục vụ sản xuất của người dân”.

Bên cạnh công tác sên vét các tuyến kênh đầu nguồn, nội đồng, các địa phương còn phối hợp với các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn kiểm tra, nâng cấp các trạm bơm tập trung, nhằm đảm bảo hoạt động tốt, tránh hỏng hóc để từ đó sẵn sàng phục vụ cho các phương án sản xuất. Cùng với sự vào cuộc của các cấp quản lý trong việc sên vét, cải tạo kênh mương, các địa phương còn vận động người dân thực hiện các công trình thủy lợi mùa khô, nạo vét các tuyến kênh nội đồng phục vụ sản xuất, nhất là ở những vùng chuyên tôm. Ông Nguyễn Thành Võ (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Hệ thống kênh mương, trạm bơm giờ khép kín và vận hành thông suốt nên người nông dân làm ruộng cũng đỡ phần vất vả hơn trước. Tôi hy vọng vụ mùa tới nguồn nước tiếp tục được đảm bảo, bà con mình lại có một vụ mùa vui vì trúng mùa - được giá”.

Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, ngoài việc quan tâm đầu tư cải tạo các công trình thủy lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân tại những vùng gò cao, vùng có điều kiện sản xuất hoa màu nên chuyển từ lúa sang trồng màu trong mùa khô nhằm giảm chi phí bơm tát.

Trạm bơm tát tập trung ở HTX Nam Hưng (huyện Vĩnh Lợi) chủ động tháo nước để đưa cơ giới vào thu hoạch lúa. Ảnh: C.L

CHỦ ĐỘNG ĐIỀU TIẾT

Nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho vụ hè thu 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Cụ thể là phối hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn mặn; tăng cường khảo sát, đánh giá xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính; kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động trong sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp tốt với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau để vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối, cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm…). Đồng thời, ngành còn phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam (thuộc Bộ NN&PTNT) vận hành hiệu quả cống Âu thuyền Ninh Quới để đảm bảo ngăn mặn xâm nhập lên TX. Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) và tiếp được nước ngọt sông Hậu về phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh.

Ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: “Để giảm thiểu những tác động do tình hình hạn mặn và thiếu nước trong sản xuất, bảo vệ vụ mùa cho người dân, Chi cục đã chủ động phối hợp với các địa phương nạo vét các tuyến kênh chính, nội đồng; bố trí, sắp xếp thời gian vận hành các cống phân ranh để điều tiết nước mặn - ngọt cho các vùng chuyên canh và luân canh, đảm bảo việc sản xuất lúa, nuôi tôm của người dân”. Bên cạnh đó, hằng tháng Chi cục còn tiến hành lấy mẫu nước mặt tại 8 điểm trên địa bàn tỉnh (đại diện cho từng vùng mặn, ngọt, lợ) để phân tích các chỉ tiêu, thông báo kết quả quan trắc để phục vụ việc sản xuất của người dân...

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ kịp thời thông tin dự báo khí tượng - thủy văn để chủ động điều tiết, sử dụng nước hiệu quả, phù hợp với khả năng nguồn nước cho từng thời kỳ; đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất; quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân. Các đơn vị điều tiết, vận hành hợp lý hệ thống các công trình đầu mối, góp phần điều hòa, phân bổ hợp lý nguồn nước được tích trữ trong khu vực nội đồng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng trong suốt mùa khô 2023.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.