Cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi: Hướng mở cho xuất khẩu nông sản

Thứ Sáu, 17/03/2023 | 15:21

Việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cho các trang trại, hợp tác xã (HTX), nông hộ nuôi tôm, trồng lúa, rau màu và cây ăn trái là cấp “giấy khai sinh” cho nông sản đủ điều kiện xuất ngoại. Để đẩy nhanh việc đăng ký và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản, Bạc Liêu cần có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.

Chi cục TT&BVTV tỉnh tổ chức tập huấn thiết lập và quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.

QUAN TÂM CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, đến nay toàn tỉnh cấp được 11 mã số vùng trồng lúa, cây ăn trái, rau màu nhằm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp 7 mã số vùng trồng lúa với các giống chất lượng cao, ST24, ST25… trên diện tích 194,8ha; cấp một mã số cây ăn trái (Thanh nhãn) cho 56,8ha ở TP. Bạc Liêu. Đồng thời, Chi cục TT&BVTV tỉnh cũng đã cấp 3 mã số vùng trồng rau với tổng diện tích 45,5ha. Trong đó, huyện Phước Long: cây rau cần nước 10,7ha; huyện Vĩnh Lợi: cây hẹ 4ha; HTX Rau sạch Đoàn Kết (TP. Bạc Liêu): 30,8ha. Định kỳ 6 tháng, Chi cục TT&BVTV tỉnh tổ chức giám sát và làm báo cáo định kỳ gửi về Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT.

Việc cấp mã số vùng trồng ở Bạc Liêu bước đầu được doanh nghiệp, người dân quan tâm. Hiện Chi cục TT&BVTV tỉnh tiếp tục nộp hồ sơ xin mã số sẵn sàng xuất khẩu lúa với diện tích 109ha cho 2 huyện Phước Long và Hồng Dân.

Tuy nhiên, theo ngành chuyên môn, mặc dù việc cấp mã số vùng trồng trong thời gian qua có tăng, nhưng tỷ lệ còn thấp so với thực tế diện tích trồng lúa, rau màu của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do việc triển khai tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký đến người dân còn chậm. Một số địa phương và người dân chưa hiểu rõ mục đích, lợi ích của việc đăng ký cấp mã số cho vùng trồng, cơ sở trồng...

Vùng trồng hẹ của huyện Vĩnh Lợi được Chi cục TT&BVTV tỉnh cấp mã số vùng trồng rau.

ĐẨY MẠNH CẤP MÃ SỐ CÁC CƠ SỞ NUÔI TÔM

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký cấp giấy xác nhận và mã số cơ sở nuôi tôm. Riêng tỉnh Bạc Liêu, đến nay đã có 3.484 cơ sở với diện tích hơn 6.624ha nuôi tôm (9.403 ao) được ngành chức năng cấp giấy xác nhận, tăng gấp 5 lần so với năm 2021. Trong đó, TP. Bạc Liêu có 191 cơ sở với diện tích 428,46ha (1.447 ao); TX. Giá Rai: 114 cơ sở với diện tích 229,58ha (205 ao); huyện Hòa Bình: 296 cơ sở với diện tích 600,55ha (1.660 ao); huyện Đông Hải: 1.140 cơ sở với diện tích 1.729,38ha (3.819 ao); huyện Vĩnh Lợi: 96 cơ sở với diện tích 140,29ha (281 ao); huyện Hồng Dân: 403 cơ sở với diện tích 936,46ha (499 ao); huyện Phước Long: 1.244 cơ sở với diện tích 2.559,71ha (1.492 ao). Việc đăng ký đối tượng nuôi chủ lực được các tổ chức, cá nhân nuôi tôm thực hiện đạt kết quả khá tốt.

Tuy nhiên, với 3.484/49.800 cơ sở nuôi tôm được cấp mã số, chiếm 7% so với tổng số cơ sở nuôi tôm đăng ký, trong khi Bạc Liêu đang xây dựng trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước thì con số này còn rất thấp.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Sắp tới đây, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người nuôi tôm đăng ký mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi; tạo mọi điều kiện để các hộ nuôi tôm đăng ký và được cấp mã số nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Từ đó khẳng định thương hiệu cho ngành tôm Việt Nam nói chung, con tôm Bạc Liêu nói riêng trên thị trường thế giới…”.

MINH ĐẠT

Các doanh nghiệp thu mua tôm ở các hộ được cấp mã số vùng nuôi sẽ thuận lợi cho công tác xuất khẩu. Ảnh: M.Đ

Đăng ký cấp Giấy xác nhận mã số đối với cơ sở nuôi tôm

Việc đăng ký cấp Giấy xác nhận mã số đối với cơ sở nuôi tôm là vấn đề quan trọng nhằm quản lý hoạt động nuôi tôm an toàn và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, là điều kiện đáp ứng yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu.

Để xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ, Tổng cục Thủy sản đang rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản cho phù hợp. Nghị định sẽ được sửa đổi trên tinh thần giảm tối đa các điều kiện để các hộ nuôi có thể đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký, cấp Giấy xác nhận mã số để người nuôi nắm được các quy định và tự giác thực hiện. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong đăng ký nuôi trồng thủy sản (NTTS).

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định đối với các vùng đã quy hoạch, lập kế hoạch phát triển NTTS, xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người NTTS thực hiện đăng ký. Đối với các trường hợp đáp ứng đầy đủ điều kiện thì địa phương phải nhanh chóng cấp mã số cơ sở nuôi…

N.M (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.