Biến đổi khí hậu: Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Thứ Tư, 23/05/2018 | 15:24

Bài 1: Nhiều tác động tiêu cực

Bài 2: Phải sống chung và thích nghi

Bài cuối: Những giải pháp chiến lược để ứng phó

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Việc tìm ra giải pháp thích nghi để phát triển lâu dài, bền vững giúp người dân ổn định cuộc sống là vấn đề rất cần thiết. Để hiểu rõ hơn những định hướng, chỉ đạo của tỉnh đối với vấn đề ứng phó với BĐKH, phóng viên Báo Bạc Liêu đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung

------------------------------------

PV: Thưa ông, trước diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH đã tác động đến nhiều mặt, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng dân sinh, tỉnh đã có giải pháp gì ứng phó với BĐKH?

Ông Dương Thành Trung: Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với BĐKH như chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, gây bồi, tạo bãi, trồng rừng… Ngoài giải pháp công trình thì tỉnh cũng rất quan tâm đến các giải pháp phi công trình để ứng phó với BĐKH. Cụ thể là chủ động di dân ở các vùng chịu tác động trực tiếp của nước biển dâng để cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng. Đồng thời tổ chức khoán đất, khoán rừng cho hộ dân chăm sóc, bảo vệ và giữ rừng kèm theo hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ được khoán rừng ổn định cuộc sống. Việc bảo vệ rừng có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, bão, lũ... do tác động của BĐKH gây ra.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ban hành cơ chế để các doanh nghiệp có dự án ven biển (như nhà máy điện gió) trồng rừng nhằm làm dày thêm vành đai rừng phòng hộ. Tỉnh cũng sẽ xem xét có thể giao đất rừng để các doanh nghiệp kết hợp phát triển du lịch. Đây là một trong những giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích thực hiện.

Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu về vấn đề đất bồi dưới chân điện gió để các dự án trong thời gian tới thiết kế các trụ điện hợp lý và khi gây bồi, tạo bãi trồng rừng ứng phó với BĐKH mà không phải làm các kè mềm, kè cứng tốn thêm kinh phí.

* Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình trạng sạt lở tại khu vực cống Láng Trâm (TX. Giá Rai).

* Nông dân huyện Hồng Dân bơm nước trữ ngọt trước tình hình xâm nhập mặn. Ảnh: M.Đ

PV: Thời gian qua đã xảy ra tình trạng sạt lở, sụp lún làm hư hỏng nhà cửa, tài sản của người dân do BĐKH. Xin ông cho biết trên địa bàn tỉnh hiện nay có bao nhiêu điểm nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng và giải pháp để ứng phó?

Ông Dương Thành Trung: Qua khảo sát thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 điểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng thuộc huyện Đông Hải, TX. Giá Rai và TP. Bạc Liêu. Ngoài ra, còn nhiều đoạn có biểu hiện bất thường trước những tác động từ BĐKH.

Theo các chuyên gia, sụp lún đất là vấn đề rất nghiêm trọng. Bởi, sụp lún gây ra tình trạng xâm nhập mặn đi sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến việc sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân. Trước tình trạng này, tỉnh đã tăng cường quản lý việc khai thác nước ngầm trong dân. Đặc biệt là nghiêm cấm các hộ nuôi tôm vùng xâm nhập mặn khoan lấy nước ngầm phục vụ nuôi tôm ở một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng kiến nghị với Trung ương về việc do đầu nguồn sông Mê Kông có nhiều đập nên nguồn nước ngọt cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng bị hạn chế, thiếu nguồn nước ngọt để sản xuất. Nguồn nước ngọt đầu nguồn sông Mê Kông về càng ít thì nước mặn ở biển Tây lại đẩy sâu vào nội đồng. Đồng thời tỉnh cũng yêu cầu Trung ương trả lời về việc giảm nguồn nước ngọt ở các tỉnh ĐBSCL (cụ thể là 50% hay 60%) để các địa phương chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.

Đối với vấn đề sạt lở, tỉnh đã triển khai giải pháp làm đê mềm và gây bồi, tạo bãi trồng rừng. Việc áp dụng giải pháp đê mềm không chỉ thực hiện nhanh chóng, mà còn giảm kinh phí đầu tư (kinh phí đê mềm chỉ bằng 1/3 đê cứng). Còn ở những nơi sóng to, gió lớn không thực hiện giải pháp đê mềm được thì thực hiện giải pháp đê cứng như cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải).

BĐKH gây ra sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân ven biển. Do ngân sách địa phương có hạn nên tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh về mặt kỹ thuật cũng như kinh phí để tỉnh đủ nguồn lực thực hiện nhanh các giải pháp giữ rừng phòng hộ, bảo vệ sinh kế cho bà con sống ven biển.

PV: Thưa ông, BĐKH đã làm thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, đời sống của người dân, vậy tỉnh có những định hướng, chỉ đạo gì để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống?

Ông Dương Thành Trung: Trước tình hình xâm nhập mặn, tỉnh đã xin phép Chính phủ cho chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang luân canh vụ lúa - vụ tôm. Mô hình lúa - tôm rất hiệu quả, cho ra sản phẩm tôm sạch, lúa sạch.

Sau một thời gian áp dụng, có thể khẳng định lúa - tôm là mô hình thích ứng với BĐKH hiện nay và có thể phát triển bền vững, lâu dài. Nhiều địa phương trong tỉnh đã khuyến khích nông dân ở vùng nuôi tôm gặp khó khăn về nguồn nước mặn áp dụng mô hình này để mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

PV: Xin cảm ơn ông!

MINH ĐẠT - HOÀNG LAM

(thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.