Bảo vệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước để phát triển bền vững

Thứ Sáu, 28/02/2020 | 14:52

Với thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra gay gắt như hiện nay, người ta mới thấy hết tầm quan trọng của tài nguyên nước. Bởi trong nhận thức của nhiều người, tài nguyên nước là cái có sẵn và gần như vô tận nên chưa có ý thức bảo vệ và phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Nạo vét kênh thủy lợi dẫn ngọt phục vụ sản xuất vùng Bắc Quốc lộ 1A.

Nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt, sản xuất

Tài nguyên nước của tỉnh Bạc Liêu khá phong phú. Đặc biệt là nguồn tài nguyên nước ngọt tương đối dồi dào, gồm nguồn nước mưa, nước từ sông Hậu dẫn về qua kênh Quản lộ Phụng Hiệp và nguồn nước dưới đất được phủ khắp trên diện tích toàn tỉnh được tích tụ trong 7 tầng chứa nước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy nước đô thị gồm 11 giếng khoan công nghiệp với tổng lưu lượng khai thác khoảng 22.000m3/ngày và cấp cho khoảng 29.000 hộ dân (khu vực TP. Bạc Liêu). Khu vực nông thôn có 110 trạm cấp nước sinh hoạt với tổng lưu lượng khai thác khoảng 22.400m3/ngày và cấp nước cho khoảng 58.000 hộ dân (khu vực các huyện, thị xã).

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở, công ty, doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất đã được cấp phép với lưu lượng khai thác khoảng 70.000m3/ngày và hơn 130.000 giếng khoan nước dưới đất quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình). Tổng lưu lượng khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh ước khoảng 114.400m3/ngày.

Ngoài các công trình khai thác trên, ở vùng nông thôn còn có hàng trăm hộ gia đình, cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp...

Thực trạng khai thác nguồn nước cho thấy, nhu cầu sử dụng nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt rất lớn, nhất là trong điều kiện nguồn cung cấp nước ngọt từ thượng nguồn Mê Kông ngày càng giảm.

Trong tháng 2/2020, nhiều vùng sản xuất lúa của tỉnh bị đẩy vào nguy cơ “chết khát” khi nước ngọt trên hệ thống kênh nội đồng đã cạn khô; nhiều nước giếng khoan của hàng trăm hộ dân ở tuyến ven biển cũng không còn nước để bơm.

Người dân huyện Đông Hải khai thác nước ngầm để nuôi tôm. Ảnh: L.D

Tác động tiêu cực

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt nên dẫn đến một vấn nạn là mạnh ai nấy khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách vô tội vạ.

Đáng chú ý như trong nuôi trồng thủy sản, nhiều doanh nghiệp, hộ dân khai thác gần như triệt để nguồn nước ngầm và khi không còn nước để bơm thì bỏ đi mà không cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật để xử lý, tráng lấp theo quy định, sau đó tiếp tục khoan thêm cây nước mới và mặc cho cây nước cũ bị bỏ gây ô nhiễm nguồn nước.

Thêm vào đó, do tác động của biến đổi khí hậu nên vào mùa khô nước từ kênh Quản lộ Phụng Hiệp có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu hơn vào bên trong nội địa và ngày càng nghiêm trọng. Về ngắn hạn, nếu khai thác quá nhiều thì nước dưới đất rất dễ bị nhiễm mặn, làm cho các tầng nước dưới đất ô nhiễm không sử dụng được; về lâu dài thì gây ra hiện tượng sụt lún đất. Cụ thể là tỉnh Cà Mau đã và đang phải đối mặt với vấn đề này.

Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, tầng chứa nước Pleistocene giữa - trên có tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất (2013 - 2018) là 0,04m/năm, tốc độ hạ thấp lớn nhất là 0,61m/năm tại công trình Q597030M1 (phường 7, TP. Bạc Liêu). Kết quả dự báo tốc độ hạ thấp giai đoạn 2018 - 2023 là một phần ven biển Bạc Liêu thuộc vùng có tốc độ hạ thấp mực nước 0,3 - 0,5m/năm và các tầng nước còn lại đều tụt giảm.

Đây là nguy cơ đáng báo động về cạn kiệt nguồn nước dưới đất trong tương lai gần đối với Bạc Liêu nếu như không có giải pháp khắc phục ngay từ bây giờ, và hàng ngàn héc-ta đất sản xuất, hộ dân sẽ bị đẩy vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Do vậy, điều quan trọng hiện nay là cùng với sự quyết tâm thực hiện các giải pháp “công trình, phi công trình” của ngành quản lý, thì vai trò của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên nước chính là giải pháp mang tính quyết định.

Kim Trung

-------------------------------------------------------------

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tài nguyên nước

Ông Hồ Văn Linh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (ảnh) cho biết, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt nhiều chương trình, dự án về lĩnh vực tài nguyên nước như: Quy hoạch quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngầm đến năm 2020; Quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất và hành nghề khoan nước dưới đất…

Song song đó, để việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả, Bạc Liêu cũng triển khai thực hiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương như: Nghị định số 82 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai Thông tư số 47 quy định về việc giám sát tài nguyên nước. Qua đó, giám sát lưu lượng khai thác của các tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh và chất lượng nguồn nước, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hàng tháng phân tích chất lượng nước mặt, độ mặn ở 8 điểm cần quan trắc trên địa bàn toàn tỉnh và theo dõi diễn biến động thái nước dưới đất gửi các sở, ngành, địa phương thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin giúp việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, cùng với tổ chức, quán triệt các quyết định, chỉ thị, chương trình hành động về phát triển bền vững ĐBSCL, cần đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cho cả thành thị và nông thôn để hạn chế việc khoan giếng và khai thác đơn lẻ, nhằm bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên nước. Thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng, số lượng nguồn nước tại các công trình quan trắc; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động các công trình đang khai thác có quy mô lớn để theo dõi và có những biện pháp điều chỉnh kịp thời khi khai thác quá mức nguồn nước, làm cạn kiệt nguồn cung cấp nước ngầm cục bộ.

Cùng với đó, xây dựng các công trình đê bao, các công trình thủy lợi khép kín để tích tụ nước ngọt từ nguồn nước mặt tự nhiên vào mùa mưa phục vụ cho việc điều tiết nước vào mùa khô phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, hạn chế khai thác nguồn nước dưới đất. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tài nguyên nước. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, xử lý nước tuần hoàn khép kín trong trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước…

T.A (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.