Bảo vệ tài nguyên nước vì sự phát triển bền vững

Thứ Sáu, 13/12/2019 | 15:54

Một trong những thách thức đã được các nhà khoa học chỉ ra cho khu vực ĐBSCL là tình trạng sụt lún với tốc độ nhanh. Trong nhiều nguyên nhân, có sự tác động của việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm. Việc lạm dụng nguồn tài nguyên nước một cách vô tội vạ sẽ tác động tiêu cực đến phát triển bền vững.

* Người dân huyện Hòa Bình sử dụng nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt.

* Nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) sử dụng nước bơm từ giếng khoan tưới rau màu. Ảnh: L.D

Với vị trí nằm giáp biển và chịu tác động trực tiếp từ triều cường, những năm qua, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán đã trở thành những thách thức mà Bạc Liêu phải đương đầu. Từ đó, việc quản lý và khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước ngọt là rất quan trọng.

So với các địa phương khác, nguồn tài nguyên nước của Bạc Liêu đa dạng và tương đối dồi dào. Về nước mặt, nước biển dẫn vào hệ thống kênh nội đồng phục vụ nuôi trồng thủy sản, nguồn nước ngọt từ sông Hậu dẫn về qua kênh Quản Lộ Phụng Hiệp và nguồn nước mưa tại chỗ đảm bảo phục vụ cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa và hoa màu của tỉnh, nhất là khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A. Nguồn nước ngầm ở tỉnh cũng khá phong phú và được phủ khắp trên diện tích toàn tỉnh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng khai thác và sử dụng nguồn nước ở nhiều nơi đã đến mức báo động. Đó là việc lạm dụng nguồn nước ngọt phục vụ nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp gần như quá mức. Điều đáng quan tâm là khi nguồn nước ngầm cạn kiệt không thể lấy nước, nhiều hộ dân, doanh nghiệp khoan cây nước mới mà không thực hiện các biện pháp kỹ thuật để xử lý cây nước không còn sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Theo cảnh báo của các nhà khoa học, việc ô nhiễm nguồn nước sẽ gây nên những hậu quả nặng nề cho phát triển kinh tế - xã hội và sự  bền vững của môi trường. Đó là tỷ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như: viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư… ngày càng tăng.

Cụ thể, khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư, trong đó thường gặp là ung thư da. Không chỉ thế, asen còn gây nhiễm độc hệ thống tuần hoàn khi uống phải nguồn nước có hàm lượng asen 0,1mg/l. Vì vậy, cần phải xử lý nước nhiễm asen trước khi dùng cho sinh hoạt và ăn uống. Hay khi nguồn nước bị nhiễm chì, nếu người sử dụng bị nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh; nhiễm amoni, nitrat, nitrit gây mắc bệnh xanh da, thiếu máu, có thể gây ung thư; nhiễm natri gây bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, lưu huỳnh gây bệnh về đường tiêu hóa; nhiễm kali, cadimi gây bệnh thoái hóa cột sống, đau lưng…

Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước còn tác động trực tiếp đến phát triển sản xuất, kinh doanh và phá vỡ sự phát triển bền vững của hệ sinh thái. Qua đó cho thấy, việc bảo vệ tài nguyên nước mà cụ thể là nguồn nước không chỉ có tác động trực tiếp đến phát triển bền vững, chống sụt lún, giảm hạn, mặn… mà còn bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Để quản lý việc khai thác nguồn nước ngầm và sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và lập quy hoạch tài nguyên nước như: Chỉ thị số 01 về tăng cường công tác quản lý khai thác và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 15 ban hành quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngầm tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Tài nguyên - Môi trường đều tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước cho cán bộ quản lý, các chủ cơ sở hành nghề khoan giếng và khai thác nước ngầm từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn… Song, việc quản lý tài nguyên nước trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là ý thức, trách nhiệm của người dân chưa được nâng cao, nhiều hộ chưa nhận thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Một nguyên nhân mang tính quyết định khác là công tác quản lý ở các địa phương chưa tốt. Bởi, địa phương là đơn vị quản lý trực tiếp và cấp phép khai thác nước ngầm, nhưng một số nơi vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý tài nguyên nước. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế; tình trạng khoan giếng nước tràn lan (khoan chui) không đảm bảo quy trình, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm còn xảy ra...

Để tháo gỡ những bất cập này và hướng đến phát triển bền vững, thiết nghĩ, ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm gây lãng phí và ô nhiễm nguồn nước.

LÊ THANH

--------------------------------------------------------

UBND tỉnh ban hành kịch bản phòng chống hạn, mặn

Để đáp ứng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô năm 2019 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2202 về xây dựng 3 kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tập trung chủ yếu vào các giải pháp cần triển khai trên địa bàn tỉnh tương ứng với 3 tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn (lấy mốc so sánh là mùa khô năm 2015 - 2016).

Kịch bản 1: Diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 ít gay gắt so với mùa khô năm 2015 - 2016; Kịch bản 2: Diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 gay gắt, tương đương như mùa khô năm 2015 - 2016; Kịch bản 3: Diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 gay gắt hơn mùa khô năm 2015 - 2016.

Ba kịch bản đã xây dựng tương ứng với 3 tình huống diễn biến thời tiết và nguồn nước có thể xảy ra trong mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định mới nhất của các nhà khoa học và các viện, trường đại học, mùa khô năm 2019 - 2020 có thể sẽ không gay gắt bằng mùa khô năm 2015 - 2016 (có tác động của hiện tượng El Nino trên phạm vi toàn cầu). Tuy nhiên, mặn sẽ xâm nhập sớm vào cuối năm 2019 và tình trạng thiếu hụt nguồn nước ngọt vẫn sẽ diễn ra trong các tháng đầu năm 2020. Trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT, ý kiến của các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành chuẩn bị các kế hoạch ứng phó, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh theo kịch bản 2.

Để thực hiện các nội dung trên, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng, giám đốc các sở, ngành như Sở NN&PTNT; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công thương; Sở Tài nguyên và Môi trường; Đài PT-TH tỉnh; Báo Bạc Liêu; Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh; Công ty Cổ phần cấp nước Bạc Liêu; các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP. Bạc Liêu; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định.

Tú Anh (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.