Bảo vệ rừng phòng hộ vì phát triển bền vững

Thứ Hai, 16/07/2018 | 16:18

Với tình trạng biến đổi khí hậu, sóng to, gió lớn và nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền, việc phát triển diện tích rừng phòng hộ được xem là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, để phát triển và gìn giữ “tấm lá chắn” này cũng không phải là chuyện dễ khi rừng phòng hộ ven biển hiện nay đã và đang đối mặt với nhiều thách thức.

Lực lượng kiểm lâm và đoàn viên - thanh niên ra quân trồng rừng năm 2018.

Người dân chặt cây ở rừng phòng hộ về làm củi ở huyện Đông Hải.

Cây rừng chết do ứ nước nuôi tôm ở huyện Hòa Bình. Ảnh: L.D

VẪN CÒN PHÁ RỪNG

Sở hữu bờ biển dài 56km, Bạc Liêu có hệ sinh thái rừng ngập mặn khá phong phú. Với diện tích hơn 3.000ha, thời gian qua Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp phát triển rừng và nhân rộng các mô hình quản lý rừng gắn với phát triển sản xuất thông qua nhận giao khoán đất rừng, phát triển mô hình tôm - rừng…

Cụ thể năm 2017, ngành quản lý và các địa phương đã tổ chức trồng gần 130ha rừng và tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của rừng cho hàng trăm lượt người.

Thế  nhưng, tình trạng xâm hại và phá rừng vẫn còn xảy ra, đặc biệt là khi rừng trở thành nơi khai thác, trú ẩn của nhiều hộ dân sống bám vào biển, vào rừng. Đó là tình trạng chặt phá cây rừng làm củi, đào sâm đất, ứ nước nuôi tôm gây chết rừng…

Năm 2017, ngành quản lý và các địa phương phát hiện, xử lý hành chính 40 vụ vi phạm về bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng việc đào sâm đất gây chết rừng cũng tịch thu gần 660kg sâm đất.

Tồn tại bất cập trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là công tác tuyên truyền về vai trò và tác dụng của rừng ngập mặn chưa được quan tâm đúng mức. Do sức ép về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nuôi trồng, khai thác thủy sản tự phát đã trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm diện tích và chất lượng rừng ngập mặn.

Bên cạnh  đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa thật sự hiệu quả. Chất lượng, năng suất rừng chưa cao, giá trị trên 1ha rừng thấp, chưa khuyến khích người dân trồng rừng ngập mặn. Việc vận dụng, áp dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước còn thụ động, bất cập, chưa tạo động lực thu hút người dân và cộng đồng địa phương tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Nguồn vốn đầu tư chưa tương xứng, mức đầu tư thấp. Thiếu đầu tư nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ngoài ra, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu cực đoan, tình trạng sạt lở bờ biển dẫn đến những khó khăn trong công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn.

HÃY BẢO VỆ RỪNG

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp của thiên tai và mực nước biển ngày càng dâng cao và xâm thực vào đất liền. Do vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển bền vững.

Vì vậy, để bảo vệ và phát triển rừng cần làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trong đó, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển phải đảm bảo ổn định lâu dài, được xác định rõ trên bản đồ và ngoài thực địa; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng sang các mục đích sử dụng khác. Rà soát, thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép diện tích thuộc hành lang an toàn bảo vệ đê, hoặc diện tích đất đã giao thuộc quy hoạch phát triển lâm nghiệp nhưng sử dụng không đúng mục đích để trồng lại rừng. Đẩy mạnh việc giao khoán, bảo vệ rừng cho cộng đồng và các hộ gia đình nhằm tăng hiệu quả phát triển rừng ven biển.

Cần nghiên cứu xây dựng chính sách đầu tư và cơ chế hưởng lợi đối với rừng ven biển nhằm khuyến khích mọi thành phần trong xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế liên kết với người dân để phát triển rừng, như thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để trồng rừng ven biển kết hợp nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Về lực lượng bảo vệ rừng, do đặc thù rừng ngập mặn ven biển có nhiều sông, rạch, đi lại khó khăn nên cần tăng biên chế cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường kinh phí đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển như: ngoài ngân sách địa phương, cần vận động, thu hút các nguồn vốn viện trợ của quốc tế, vay vốn tín dụng và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ thông qua xác định các loại cây phù hợp với điều kiện từng nơi, phục hồi rừng phòng hộ, trồng rừng ngập mặn chắn sóng và các giải pháp chống xói lở cửa sông, ven biển. Xây dựng các mô hình canh tác tổng hợp (rừng, thủy sản, nông - lâm kết hợp) bền vững, hiệu quả thay thế cho các mô hình quảng canh, năng suất thấp; nuôi trồng và sử dụng hợp lý các loại lâm sản ngoài gỗ gắn với bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý, công nghệ thông tin trong quản lý, dự báo, đánh giá, theo dõi diễn biến rừng ven biển và thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, chức năng của rừng ven biển cũng như trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển rừng ven biển và mở rộng công tác khuyến lâm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nhân rộng các mô hình quản lý, bảo vệ và trồng rừng hiệu quả…

TÚ ANH

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.