Báo động tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông

Thứ Sáu, 20/11/2020 | 16:12

Bạc Liêu có bờ biển dài 56km. Đây là khu vực có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế biển cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh và sinh kế của hơn 100.000 người dân. Tuy nhiên, đây lại là khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, nhất là hiện tượng xói lở bờ biển, sạt lở đê biển và kè cửa sông do thay đổi dòng chảy, gây thiệt hại nặng nề.

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng (bìa phải) kiểm tra tình hình sụt lún sau tường kè Nhà Mát (TP. Bạc Liêu).

XUẤT HIỆN NHIỀU ĐIỂM SẠT LỞ

Trong những năm qua, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu phải chịu tác động rất lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu, thảm rừng ngập mặn ven biển và bờ biển đang có khuynh hướng sạt lở. Cụ thể là đoạn từ giáp ranh Sóc Trăng đến gần kênh 30/4 với chiều dài khoảng 11km (thuộc địa bàn TP. Bạc Liêu) và đoạn cuối từ kênh Số 3 thị trấn Gành Hào đến cửa Gành Hào (huyện Đông Hải). Ngoài ra, có 19km bờ biển có những tháng lở và tháng bồi (đoạn từ kênh 30/4 thuộc phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu đến kênh Hoành Tấu thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình).

Thực tế cho thấy, hiện tượng sạt lở ở thảm rừng phòng hộ và bờ biển Bạc Liêu đã và đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, do tác động của sóng và dòng chảy ven bờ từ những biến đổi khác thường của thời tiết và khí hậu trong những năm gần đây. Hiện tượng xâm thực bờ biển diễn ra ngày càng gay gắt, đe dọa trực tiếp đến thảm rừng phòng hộ và tuyến đê ven biển Đông.

Bên cạnh sạt lở bờ biển thì tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra cũng khá nghiêm trọng. Theo đó, xuất hiện một số vị trí sạt lở như kênh xáng Hộ Phòng - Gành Hào (thuộc TX. Giá Rai và huyện Đông Hải), kênh 30/4 thuộc Phường 2 (TP. Bạc Liêu), kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu (đoạn qua TX. Giá Rai), kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (đoạn qua thị trấn Phước Long, huyện Phước Long). Sạt lở đã làm ảnh hưởng đến nhà cửa của các hộ dân sống dọc theo hai bên bờ sông, làm mất diện tích đất sản xuất, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng và đe dọa cuộc sống của người dân. Ông Đỗ Minh Thắng - Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, cho biết: “Trên địa bàn thị xã hiện có 3 điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng là Phường 1, khu vực hạ lưu cống Hộ Phòng, kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu đoạn phường Hộ Phòng. UBND thị xã đã đề nghị tỉnh đầu tư kinh phí để thi công các công trình khắc phục sạt lở”.

Sạt lở ven kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn qua phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) gây hư hại nhà cửa của người dân. Ảnh: M.Đ

CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Trước tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ở mức báo động, ngành chức năng tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, bảo vệ sinh kế người dân trong vùng ảnh hưởng sạt lở. Trước mắt, Sở NN&PTNT đề xuất giải pháp công trình để phòng chống sạt lở bờ biển, khôi phục rừng phòng hộ ở những vị trí sạt lở xung yếu. Xây dựng kè ngầm giảm sóng từ xa như kè mỏ hàn hình chữ T được làm bằng hai hàng cọc bê-tông ly tâm, bên trong thả đá hộc. Sau thời gian chờ có xuất hiện bãi bồi và nền bãi được ổn định thì tiến hành trồng cây để khôi phục lại rừng phòng hộ.

Về lâu dài, tỉnh triển khai nhiều dự án phòng chống sạt lở bờ biển để khôi phục rừng phòng hộ như: Dự án kè chống sạt lở khu vực cửa sông, ven biển Gành Hào; Dự án kè chống sạt lở khu du lịch Nhà Mát; Dự án nâng cấp, cải tạo đê biển theo Chương trình 667 của Chính phủ…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện các dự án như: Dự án gây bồi tạo bãi và trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát; Dự án gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu; Dự án chống xói lở gây bồi, trồng rừng ngập mặn chống xói lở, bảo vệ đê biển Gành Hào. Ngoài các giải pháp công trình hạn chế hiện tượng sạt lở, tỉnh sẽ tiến hành các giải pháp phi công trình như: Hàng năm, tiến hành khoanh nuôi rừng tái sinh kết hợp trồng bổ sung trên diện tích bãi bồi ven biển, trồng mới rừng trên diện tích đất trống chưa có rừng và chăm sóc diện tích rừng mới trồng chưa phát triển thành rừng. Đối với vùng đất ngập triều cao, tỉnh triển khai thực hiện các mô hình trồng rừng thử nghiệm; triển khai xây dựng và thực hiện các dự án sơ tán dân ra khỏi rừng phòng hộ và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Tiến hành cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để người dân có ý thức chủ động tự phòng tránh và không xây cất công trình trong khu vực này.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thống kê các điểm sạt lở bờ biển, bờ sông, các công trình bị sụt lún… để Sở tham mưu cho tỉnh có những giải pháp khắc phục, bảo vệ công trình cũng như sinh kế của người dân trong khu vực”.

MINH ĐẠT

Một số nguyên nhân gây sạt lở bờ biển, bờ sông

Trong nhiều năm qua, qua công tác kiểm tra, theo dõi về tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh, sơ bộ nhận thấy có một số nguyên nhân chính như sau:

Tác động của dòng chảy ven bờ: Những biến động của dòng hải lưu, biến động của hàm lượng phù sa sông Mê Kông khi đổ ra biển Đông, biến động của dòng chảy ven bờ biển Bạc Liêu. Trong những năm gần đây, do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp vào đường bờ gây nên hiện tượng sạt lở ven bờ biển, bờ sông. Điển hình là khu vực cửa sông Gành Hào.

Sóng biển gây sạt lở bờ biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ

Tác động của thủy triều: Hiện tượng triều cường dâng cao bất thường trong những năm gần đây cũng là nguyên nhân góp phần gây sạt lở bờ biển, bờ sông.

Tác động của sóng, gió: Vào mùa gió chướng, sóng biển từ ngoài khơi tiến vào bờ sẽ vỡ trên vùng bãi bồi làm biến dạng phần nền. Ngoài ra, ở những khu vực không có rừng phòng hộ hoặc ở những nơi có thảm rừng phòng hộ ít sẽ không có đủ thảm rừng để làm tiêu hao năng lượng sóng, từ đó sóng có điều kiện tác động trực tiếp vào bờ gây ra sạt lở. Điển hành là khu vực cửa biển Nhà Mát, trong những năm gần đây, sự thay đổi dòng chảy ven bờ và tác động của triều cường dâng cao bất thường kết hợp với sóng biển đã làm mất dần thảm rừng phòng hộ, cụ thể là những cây mắm cao 4 - 5m vẫn bị sóng cuốn trôi cả gốc ra biển...

M.C (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.