Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Phát triển và nâng chất sản phẩm du lịch

Thứ Tư, 10/06/2020 | 15:08

Để phát huy lợi thế là trung tâm du lịch của tỉnh, TP. Bạc Liêu đã và đang tập trung phát triển, nâng chất các sản phẩm du lịch. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và tạo thêm những sức bật mới sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Sản phẩm của tiệm bánh Huỳnh Minh Thành được chọn làm mâm lễ vật trong các đám hỏi, đám cưới của người Hoa ở Bạc Liêu.

Nâng tầm sản vật địa phương

Có thể nói, một trong những giải pháp quan trọng để TP. Bạc Liêu tập trung phát triển và nâng chất các sản phẩm du lịch chính là triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ngoài hệ thống các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: sản xuất bánh kẹo, nước chấm, chế biến khô biển, đóng gói hải sản tươi sống…, TP. Bạc Liêu còn có nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm truyền thống có thương hiệu, có thể góp phần quảng bá và trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Điển hình như tiệm bánh Huỳnh Minh Thành (Phường 2, TP. Bạc Liêu) chuyên sản xuất bánh, kẹo, bánh cưới và một số loại bánh phục vụ lễ hội của cộng đồng người Hoa vốn nổi tiếng trong, ngoài nước. Với nhiều loại bánh ngon khác nhau như: bánh pía, bánh in, bánh dẻo, kẹo thèo lèo, kẹo đậu phộng…, các sản phẩm của tiệm bánh Huỳnh Minh Thành là một trong những đặc sản nổi tiếng của địa phương, được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, chọn mua làm quà cho người thân mỗi khi có dịp đặt chân đến Bạc Liêu. Hay sản phẩm nước chấm (xì yếu) của cơ sở Vĩnh Thắng (Phường 5) mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người Triều Châu được nhiều thực khách trong, ngoài tỉnh ưa dùng…

Xét ở góc độ nào đó, một món ngon chỉ trở thành sản phẩm du lịch ngoài các yếu tố về chất lượng thì còn phải chứa đựng những giá trị về văn hóa, đặc biệt là văn hóa vùng miền và trở thành đặc sản mỗi khi nhắc đến. Cụ thể như món mắm ruột, mắm cá linh, đường thốt nốt của Châu Đốc (tỉnh An Giang), bánh pía, củ hành đỏ Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh)…

Một sạp bán sản phẩm khô biển ở khu du lịch Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Cần mở rộng quy mô sản xuất

Muốn phát triển và nâng chất sản phẩm du lịch, các địa phương và các công ty khai thác du lịch phải phát huy được vai trò, trách nhiệm và sự tham gia tích cực của các hộ sản xuất, các làng nghề truyền thống với chức năng là “hạt nhân”. Vì trên thực tế, nhiều làng nghề truyền thống hiện nay chưa được quan tâm đầu tư và nâng chất, dẫn đến tình trạng mua bán bát nháo, kém chất lượng và không xây dựng được nhãn hiệu tập thể. Cụ thể như nghề chế biến và bán sản phẩm khô biển ở khu du lịch Nhà Mát đến nay gần như tự phát và chưa hình thành sản phẩm mang thương hiệu “khô biển Bạc Liêu”. Trong khi ở nhiều tỉnh, thành phố khác, sản phẩm và đặc sản đều mang thương hiệu địa phương, hễ nhắc đến là du khách nhớ ngay.

Để giải quyết những bất cập và khó khăn như đã nêu thì cùng với tăng cường đầu tư cho phát triển, nâng chất các sản phẩm du lịch đã có, thành phố cần khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất, các làng nghề phát triển thêm các sản phẩm mới gắn với thực hiện Chương trình OCOP. Qua đó làm đa dạng và bổ sung thêm các sản phẩm du lịch cho TP. Bạc Liêu nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung, vì các sản phẩm du lịch của tỉnh hiện nay còn khá nghèo nàn. Song, muốn làm được việc này, các hộ sản xuất và các làng nghề truyền thống phải được “cởi trói” về tư duy, khắc phục cho được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, không dám đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thay vào đó là quy trình, mô hình quản lý theo chuỗi và chọn khoa học - công nghệ làm khâu đột phá. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch và quảng bá các sản phẩm du lịch, đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương vào các siêu thị, khu du lịch ngoài tỉnh và xem đây là một trong những kênh quảng bá về du lịch mà đặc sản địa phương chính là cầu nối.

Muốn được như vậy, TP. Bạc Liêu cần tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn đi nghiên cứu, học tập mô hình và trao đổi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng vốn đang phát triển mạnh ở các tỉnh khu vực ĐBSCL và cả nước. Đặc biệt là cần phát huy tối đa vai trò của các công ty du lịch lữ hành đưa khách tham quan các điểm du lịch và nghỉ chân trên địa bàn…

Lư Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.