Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Phát triển và nâng chất các sản phẩm OCOP

Thứ Tư, 24/02/2021 | 15:09

Thực hiện Quyết định số 250 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2019 - 2020 và kế hoạch 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, TP. Bạc Liêu đã tích cực triển khai đến các địa phương, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tăng cường đầu tư và xây dựng các sản phẩm OCOP.

Để thực hiện tốt Quyết định số 250, Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP và thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các phường, xã trong việc thực hiện Chương trình OCOP gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đã tổ chức 2 đợt xem xét, đánh giá đối với 7 sản phẩm tham gia. Kết quả, tất cả 7 sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 4 sao của Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Tôm Việt (xã Vĩnh Trạch) gồm: Tôm thẻ chân trắng nguyên con tươi đông lạnh; Tôm thẻ chân trắng nguyên con luộc đông lạnh; Tôm sú nguyên con tươi đông lạnh; Tôm sú nguyên con luộc đông lạnh và Tổ yến sơ chế của cơ sở kinh doanh Yến sào Mai (Phường 1); Tổ yến sơ chế của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yến sào HI-NEST (Phường 7). Riêng một sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao là Bánh đậu xanh của Cơ sở Hương Sen (Phường 8).

Cuối năm 2020, tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần thứ 3 và kết quả thành phố có một sản phẩm 4 sao là điểm du lịch cộng đồng “Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu” (Phường 2) và 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao là: Sản phẩm Tổ yến sơ chế, sấy khô và sản phẩm Yến hũ chưng sẵn của Cơ sở Yến sào Ninh Bình (Phường 2); sản phẩm Chả lụa, Chả chiên, Patê của Cơ sở sản xuất giò chả Sơn Hà (Phường 1)…

Đóng gói sản phẩm OCOP tại Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Tôm Việt (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ngành chuyên môn. Trong đó, TP. Bạc Liêu đã quan tâm và làm tốt công tác vận động, tuyên truyền các hộ sản xuất - kinh doanh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa sản phẩm để đủ điều kiện tham gia chương trình.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP cũng còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, TP. Bạc Liêu tuy có nhiều sản phẩm đặc thù, giàu sản phẩm truyền thống và có chất lượng cao, nhất là trong chế biến thực phẩm, thế nhưng, nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa tham gia xây dựng sản phẩm OCOP mà chủ yếu tự sản xuất, tự tiêu thụ tại chỗ, hoặc bán qua thương lái. Do đó, sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã phù hợp với tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP trong khi cơ sở sản xuất lại ngại mở rộng, đầu tư, quảng bá sản phẩm.

Một khó khăn nữa là các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố hoạt động chưa hiệu quả, nguồn vốn ít nên chưa tạo ra những sản phẩm OCOP có tính cạnh tranh cao (như sản xuất rau màu, tôm sạch). Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí tại Quyết định 1048 của Thủ tướng Chính phủ còn mới nên các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình còn lúng túng trong công tác hoàn thiện hồ sơ. Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho các hoạt động của chương trình còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách địa phương bố trí cho các hoạt động còn hạn chế. Ngoài ra, đến nay TP. Bạc Liêu vẫn chưa có điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP; công tác giới thiệu, xúc tiến thị trường, tiếp thị cho sản phẩm OCOP chưa được quan tâm... Từ đó, nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân, người tiêu dùng chưa hiểu hoặc chưa có sự nhìn nhận đúng bản chất của sản phẩm OCOP.

Năm 2021, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung giải quyết những khó khăn trên và tập trung nâng chất các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để sớm hình thành các điểm trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh; đặc biệt là tiếp tục có các chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho các sản phẩm OCOP phát triển và góp phần phục vụ tốt cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn.

Nguyễn Trường (Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.