Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Cần phát huy giá trị các lễ hội dân gian cho phát triển du lịch

Thứ Tư, 08/08/2018 | 15:03

Trong hành trang khai cơ lập nghiệp trên vùng đất mới, cùng với truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng với các dân tộc anh em, cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu còn mang theo một thứ tài sản vô cùng quý báu, đó là các lễ hội dân gian truyền thống. Các lễ hội này, nếu được khai thác và phát huy tốt sẽ góp phần tích cực cho phát triển du lịch của tỉnh nhà…

Đậm đà bản sắc

Nhắc đến Bạc Liêu là nhiều người nghĩ ngay đến câu: “Bạc Liêu là xứ cơ cầu; dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Câu ca và địa danh ấy gắn chặt với con sông và chợ phường 3 (TP. Bạc Liêu), vốn được xem là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Hoa.

Người Hoa ở Bạc Liêu không chỉ năng động, sản xuất - kinh doanh giỏi mà còn được biết đến bởi nhiều lễ hội văn hóa truyền thống thể hiện sinh động tính cộng đồng, tinh thần nhân văn và hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Trong đó, có những lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu như: Đón tết Nguyên đán, lễ hội Kỳ yên, tết Thanh minh, lễ Vu lan… Và gắn với các lễ hội tín ngưỡng dân gian là các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí của cộng đồng người Hoa. Đây được xem là vốn quý cho phát triển du lịch văn hóa, lễ hội và thực tế ở nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc nghệ thuật của người Hoa hiện cũng thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước đến tham quan như: chùa Quan Đế (phường 2), Phước Đức Cổ miếu (phường 3), chùa Sùng Thiện Đường (phường 1)…

Lễ thỉnh thần hát cúng Kỳ yên của người Hoa ở TP. Bạc Liêu.

Có thể nói, mỗi lễ hội dân gian của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu đều mang ý nghĩa triết lý sâu xa về nhân sinh quan và thế giới quan. Tuy lễ hội và các sinh hoạt văn hóa được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là đề cao giá trị văn hóa truyền thống và hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, đặc biệt là tính giáo dục trong đối nhân xử thế và đạo làm người. Một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu đó là truyền thống đoàn kết và tính cộng đồng. Đây chính là chất keo kết dính cộng đồng lại với nhau để cùng chung tay khai cơ, lập nghiệp trên vùng đất mới và thể hiện ước mơ, khát vọng của mình (như lễ hội Kỳ yên, lễ Tạ thần).

Một giá trị văn hóa tiêu biểu khác mà các lễ hội mang lại là tính giáo dục và đề cao việc lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đó là đạo hiếu, truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, các phong tục, tập quán sinh hoạt…; tất cả được xem là thước đo mang tính mẫu mực.

Chưa dừng ở đó, thông qua lễ hội dân gian, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể có điều kiện được bảo tồn và phát huy; thậm chí phục hồi như: nghề làm bánh cúng, làm mắm thực vật, các tuồng tích cổ, tranh vẽ, ngôn ngữ, nghệ thuật thư pháp… Bên cạnh đó, cùng với sự giao thoa về văn hóa của các dân tộc anh em, những giá trị ấy không ngừng được bổ sung, cải biến và làm đặc sắc, phong phú thêm bản sắc văn hóa của mình, phù hợp với nhu cầu và xu thế chung của thời đại.

Tất cả những nét đẹp văn hóa ấy cần được khai thác và phát huy giá trị. Vì đây sẽ là động lực góp phần cho phát triển du lịch và các ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, khi lễ hội được phát huy còn mở ra nhiều cơ hội trong giao lưu với các nền văn hóa trong khu vực và cả thế giới.

Để giá trị phát huy

Lễ hội dân gian của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu tuy mang nhiều giá trị đặc sắc, thế nhưng có một thực tế phải thừa nhận rằng, các văn hóa mang lại từ các lễ hội đến nay vẫn chưa được phát huy và phục vụ cho phát triển du lịch. Đó là việc tổ chức các lễ hội còn mang tính tự phát, thiếu gắn kết với du lịch và chưa hình thành nên các tua - tuyến như các tỉnh, thành khác (chẳng hạn như lễ hội Núi Sam, vía bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Một buổi biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc Hoa tại chùa Bà Địa Mẫu (phường 2, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Để khai thác các giá trị này và tranh thủ lợi thế là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội dân gian của người Hoa, cùng với tổ chức và xây dựng kế hoạch phát triển lễ hội dân gian gắn với phát triển du lịch, TP. Bạc Liêu cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá về giá trị văn hóa của các lễ hội dân gian. Trong đó, phát huy cho được vai trò của các tổ chức đoàn thể, Hội quán, các Hội tương tế và các Kiến họ trong dòng tộc của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu. Đây được xem là một trong những giải pháp mang tính quyết định trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị lễ hội. Bởi thực tế đã chứng minh, các lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng người Hoa đều do các ban, hội và gia đình người dân tổ chức. Mặt khác, các lễ hội dân gian của người Hoa đều gắn kết cộng đồng lại với nhau. Thông qua sinh hoạt cộng đồng, người dân không chỉ bảo tồn truyền thống văn hóa của mình mà còn được hưởng thụ, sáng tạo văn hóa.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho việc quảng bá và bảo tồn giá trị văn hóa của các lễ hội trong thu hút du khách tham quan như: thực hiện các công trình, dự án trùng tu, tôn tạo và khuyến khích đầu tư cho những đề tài, dự án nghiên cứu về văn hóa lễ hội, phát hành các ấn phẩm quảng bá về lễ hội...

Ngoài bố trí nguồn vốn từ ngân sách, cần khuyến khích các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nhất là kiều bào ở nước ngoài đầu tư tôn tạo, trùng tu các di tích và tham gia tổ chức lễ hội để hướng đồng bào về với nguồn cội, tổ tiên. Song song đó, sử dụng nguồn thu từ lễ hội đúng mục đích, phục vụ tốt công tác bảo tồn, trùng tu di tích và hoạt động lễ hội. Từ đó, góp phần cải thiện điều kiện cơ sở vật chất ở các khu di tích nơi diễn ra các lễ hội như: đầu tư xây dựng sân sinh hoạt cộng đồng, bãi đậu xe, khu ẩm thực, khu bán hàng lưu niệm...

Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức các lễ hội theo đúng truyền thống văn hóa. Đồng thời, làm tốt công tác phối kết hợp giữa địa phương, ngành quản lý và Ban tổ chức các lễ hội của người Hoa. Vì phần lớn các lễ hội hiện nay đều mang tính tự phát theo kiểu “đến hẹn lại lên”, không được tổ chức bài bản, có kế hoạch hay chương trình. Vì vậy, chưa phát huy được các giá trị phục vụ phát triển du lịch và làm phát sinh hàng loạt những vấn đề tiêu cực liên quan đến trật tự an toàn xã hội như: mất an toàn giao thông, nạn chèo kéo khách, ăn xin, “hét” giá dịch vụ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, cờ bạc trá hình thường diễn ra vào lễ hội Kỳ yên, tết Thanh minh...

Lư Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.