Nhịp sống đô thị

Phát triển du lịch văn hóa: Để các giá trị được phát huy đúng tiềm năng

Thứ Tư, 21/11/2018 | 14:55

So với các địa phương khác, TP. Bạc Liêu được xem là mảnh đất màu mỡ cho phát triển du lịch văn hóa. Bởi ngoài lợi thế tập trung nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thành phố còn là trung tâm của nhiều hoạt động lễ hội dân gian đặc sắc…

Hát cúng lễ Kỳ yên ở miếu Tam Sơn Quốc Vương (phường 5, TP. Bạc Liêu).

Nhằm phát triển du lịch văn hóa và phát huy các giá trị văn hóa dân gian từ các di tích, lễ hội truyền thống, thời gian qua, TP. Bạc Liêu đã quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị từ các công trình, di tích lịch sử, văn hóa. Đến nay, thành phố đã hoàn thành việc kiểm kê, lập hồ sơ công nhận nhiều di tích nhà cổ với 19 di tích cấp tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Sở VH-TT&DL khảo sát thực trạng các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đang xuống cấp để từ đó đề ra các biện pháp trùng tu, sửa chữa đảm bảo các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tu bổ các di tích đã xuống cấp để có hướng chỉ đạo kịp thời, công tác quản lý, khai thác các di tích trên địa bàn thành phố. Hiện tại đã và đang trùng tu, sửa chữa, nâng cấp các di tích cấp tỉnh, quốc gia như: Thiên Hậu Cung (phường 1), Thành Hoàng Cổ Miếu, nhà cổ số 41 (phường 3); chùa Long Phước (phường 5); miếu Bà Thiên Hậu (xã Vĩnh Trạch)…

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với các ngành, các khu di tích tổ chức tốt các lễ hội văn hóa truyền thống thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan như: Lễ hội Quán âm Nam Hải; Oóc-om-bóc, Chôl-Chnăm-Thmây, Sen Đôn-ta của đồng bào Khmer; lễ hội Kỳ yên, lễ hội Vu lan và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, liên hoan ảnh thời sự - nghệ thuật…, góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vừa quảng bá du lịch, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm, các món ẩm thực đặc sản của Bạc Liêu.

Ngoài ra còn thực hiện công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể điệu múa Rôm-vông trong đồng bào Khmer tại chùa Xiêm Cán (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông) để làm cơ sở xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể; quan tâm duy trì và phát triển phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) trên địa bàn. Đặc biệt, tại xã Hiệp Thành có phục vụ miễn phí ĐCTT cho khách tham quan, ăn uống tại các quán bánh xèo (định kỳ 2 buổi/ tháng) và phục vụ ĐCTT theo yêu cầu, đảm bảo cho du khách vừa được nghe, giao lưu ĐCTT, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương…

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng, việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa từ các di tích, lễ hội chưa được đầu tư theo chiều sâu, còn mang tính tự phát và chưa xây dựng được các mô hình hay. Cụ thể, TP. Bạc Liêu tuy có nhiều nhà cổ, công trình kiến trúc nghệ thuật nhưng đến nay vẫn chưa hình thành các tua, tuyến đưa du khách đến các di tích này; việc tìm hiểu, tham quan của du khách gần như tự phát. Do vậy, các di tích chưa được “thổi hồn”, chưa trở nên “lấp lánh” khi các giá trị về văn hóa - nghệ thuật, kiến trúc…, vẫn thiếu những hướng dẫn viên “đủ tầm” để thuyết minh, lý giải những giá trị văn hóa được tạo nên từ những công trình có tuổi thọ cả trăm năm.

Biểu diễn hòa tấu nhạc ngũ âm phục vụ du khách trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D

Hay đối với các lễ hội văn hóa dân gian vốn được xem là nơi thu hút nhiều du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan và họ mong muốn được đắm mình trong không gian văn hóa ấy. Thế nhưng, nhiều lễ hội dân gian đặc sắc hiện nay cũng chỉ duy trì theo hình thức “đến hẹn lại lên”, thiếu sự đầu tư tổ chức,  chưa tạo được những điểm nhấn riêng cho phát triển du lịch. Đơn cử như các lễ hội dân gian của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu với nhiều lễ và các thú vui mang đậm tính dân gian như: thỉnh hoa đăng, thỉnh kẹo cầu phúc, ca đối đáp, hòa tấu nhạc cụ dân tộc vào dịp Tết Nguyên tiêu… vẫn chưa được khai thác. Trong khi ở nhiều nước và cả Việt Nam, mà cụ thể là khu vực quận 5 (TP. Hồ Chí Minh), các lễ hội dân gian đặc sắc này thu hút hàng triệu lượt du khách trong, ngoài nước đến tham quan. Và TP. Bạc Liêu hoàn toàn có thể phát huy giá trị từ các lễ hội của các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, nếu như chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các khu di tích, Ban trị sự các nơi thờ tự.

Bạc Liêu xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng, do vậy, việc nghiên cứu và tập trung xây dựng nên những mô hình phát triển “theo chiều sâu” nhằm phát huy giá trị văn hóa từ các di tích, lễ hội là việc cần làm.

Công Vinh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.