Xuất khẩu thủy sản năm 2020: Cần quản lý tốt thị trường thu mua tôm nguyên liệu

Thứ Tư, 01/01/2020 | 14:55

Một trong những thành tựu kinh tế nổi bật của tỉnh năm 2019 là chế biến thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, thế mạnh này cần được khai thác theo chiều sâu nhằm tránh lãng phí và phát huy hiệu quả nguồn lợi từ con tôm.

Đóng gói tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Thủy sản Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình). Ảnh: K.T

Có thể nói, năm 2019 là năm khá chật vật đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Ngoài việc gặp khó khăn về đồng vốn đầu tư, các doanh nghiệp còn phải cạnh tranh khốc liệt về thị trường, giá bán và cả các quy định, rào cản khắt khe về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thực tế cho thấy, cái khó lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lâu nay vẫn là sự lệ thuộc quá nhiều vào đồng vốn từ các ngân hàng. Trong đó, lãi suất cho vay cao chính là nguyên nhân làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, không tạo được tích lũy để tái đầu tư. Thêm vào đó, thị trường thu mua tôm nguyên liệu luôn biến động và bị ảnh hưởng bởi nạn tranh mua, giành bán từ các thương lái Trung Quốc, đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh khó khăn. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong năm qua chỉ đủ để trả lương cho công nhân, hoặc chỉ để giữ chân người lao động.

Tổng kết năm 2019, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục là “con nợ” lớn của các ngân hàng và thay nhau bị mất nguồn lao động khi thị trường lao động đã có sự can thiệp từ các thương lái Trung Quốc; nhất là tình trạng một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh đã cho các doanh nghiệp Trung Quốc thuê nhà máy làm nơi chế biến kiểu công nhật, làm dịch chuyển lao động của nhiều nhà máy. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và sáng tạo, vượt khó của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt hơn 705 triệu USD, bằng 102,3% kế hoạch và tăng 16,46% so với cùng kỳ (trong đó tôm đông lạnh đạt 65.753 tấn).

Song, dù kim ngạch xuất khẩu có tăng và vượt kế hoạch đề ra, nhưng nhìn một cách tổng thể, đó mới chỉ là sự tăng trưởng về số lượng, còn chất lượng và hiệu quả chưa cao. Doanh nghiệp giảm lợi nhuận do con tôm trải qua quá nhiều phân đoạn khi gia nhập thị trường; sản phẩm xuất khẩu chiếm phần lớn là tôm đông, chưa có nhiều mặt hàng giá trị gia tăng cao; và mặc dù có chính sách hỗ trợ và ưu đãi về tín dụng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, đặc biệt là việc thẩm định giá trị tài sản của doanh nghiệp đến nay vẫn còn là “nút thắt”. Do phát triển kém bền vững nên một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản luôn đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo kế hoạch phát triển xuất khẩu năm 2020, Bạc Liêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 797 triệu USD, tăng 12,8% so với năm 2019, trong đó con tôm được xác định là mặt hàng chủ lực. Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với tăng cường công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức tốt sản xuất để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến… Bạc Liêu cần nghiên cứu ban hành một chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Đó là hỗ trợ lãi suất, cho vay tín chấp, cho vay 100% giá trị kho hàng… Đặc biệt là phải tập trung quản lý tốt thị trường thu mua tôm nguyên liệu, hạn chế sự thao túng thị trường và tự làm giá của các doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc.

Thực hiện tốt giải pháp trên sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất có lãi, tạo được tích lũy và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, cho ra thị trường nhiều sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao. Đồng thời doanh nghiệp có điều kiện cải tạo, nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm các kho hàng, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.