Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn: Cần làm gì?

Thứ Hai, 17/12/2018 | 15:59

Để thúc đẩy và tạo thêm những động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thu mua thủy hải sản của ngư dân huyện Đông Hải (ảnh trên)

và thu mua khóm của nông dân huyện Hồng Dân. Ảnh: L.D

XÂY DỰNG LÒNG TIN

Có thể nói, một trong những giải pháp quan trọng trong việc thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn hiện nay chính là cần xây dựng lại lòng tin cho doanh nghiệp. Bởi thực tiễn chứng minh, nhiều doanh nghiệp đã mất lòng tin vào nông dân trong thực hiện các hợp đồng sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Nhiều hợp đồng liên kết sau một thời gian ngắn nhanh chóng bị phá vỡ, doanh nghiệp cảm thấy mình “bị lừa”, nhất là khi giá cả thị trường biến động.

Ông Từ Thanh Phục, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp Bạc Liêu, phản ánh: “Khi tiến hành đầu tư bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp đã đưa ra mức giá cụ thể trong hợp đồng và tính cả sản lượng phải xuất khẩu, nhưng đến khi thu hoạch ngay thời điểm giá thu mua cao thì nông dân lại đòi doanh nghiệp phải thu mua theo giá trị trường. Chính bất cập này đã khiến doanh nghiệp không dám ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Bởi khi ký hợp đồng với giá cố định, doanh nghiệp đã xác định được lợi nhuận, nếu nông dân “bẻ kèo” sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Do vậy, muốn doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân thì chính quyền và ngành chức năng cần tuyên truyền cho bà con thực hiện tốt các cam kết và giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nông dân”.

Còn theo Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản Âu Vững (TX. Giá Rai): Để chủ động nguồn nguyên liệu và hỗ trợ nông dân, công ty đã thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhiều nông dân của huyện Phước Long, thậm chí phải đặt tiền cọc trước nhằm tạo lòng tin cho nông dân. Thế nhưng, đến khi thu hoạch ngay lúc giá tôm lên cao, nông dân lại không bán tôm nguyên liệu cho công ty, hoặc nếu có bán thì bán nhỏ lẻ gây khó trong việc thu mua…

Chính những bất cập này đã làm cho doanh nghiệp mất lòng tin và chưa mạnh dạn ký kết những hợp đồng bao tiêu sản phẩm lớn, cũng như đẩy mạnh đầu tư, liên kết với nông dân trong xây dựng các vùng nguyên liệu theo mô hình sản xuất khép kín, làm tăng giá trị sản xuất và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Để giải quyết khó khăn này thì một trong những giải pháp quan trọng cần được ngành quản lý và các địa phương quan tâm, đó là tập trung tổ chức lại sản xuất. Vì nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên chính là thiếu một tổ chức có uy tín và đủ pháp nhân để thực hiện các hợp đồng với doanh nghiệp, hay thực hiện tốt các cam kết đã ký với doanh nghiệp, thay vì như hiện nay chỉ ký kết thông qua các tổ hợp tác, hoặc hộ nông dân, từ đó rất khó xử lý trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp. Theo các doanh nghiệp, các địa phương có vùng nguyên liệu cần xây dựng các hợp tác xã đủ tư cách và hoạt động như một doanh nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn ký kết và thực hiện tốt các cam kết khi hợp tác xã phát huy được vai trò đầu tàu của mình trong liên kết sản xuất. Đồng thời, mạnh dạn loại bỏ các tổ hợp tác, thậm chí hợp tác xã hoạt động hình thức và không phát huy được hiệu quả của bộ máy quản lý, điều hành.

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, nếu xây dựng thành công các liên kết này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nông dân. Đặc biệt là trong điều kiện vốn đầu tư cho sản xuất trong nông dân hiện nay còn rất hạn chế, nông dân khó tiếp cận các chương trình tín dụng mới, khi phần lớn tài sản của nông dân (sổ đỏ) đã thế chấp cho các ngân hàng để có vốn phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất không chỉ góp phần giải quyết tốt bài toán vốn cho nông dân, mà còn thúc đẩy, duy trì phát triển sản xuất. Điển hình như doanh nghiệp tư nhân Quách Nghĩa Gia ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Đến nay, doanh nghiệp này đã đầu tư cho hơn 400 hộ sản xuất phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, với mức đầu tư từ 100 - 300 triệu đồng/hộ. Với hình thức đầu tư thức ăn cho cả quá trình nuôi đã giúp nông dân giảm được nạn vay nóng từ bên ngoài. Và khi sản xuất gặp rủi ro, bị thiệt hại như dịch bệnh, sản phẩm làm ra bán không được giá… cũng được doanh nghiệp tái đầu tư, tạo điều kiện cho nông dân duy trì và phát triển sản xuất.

NHIỀU CHÍNH SÁCH HẤP DẪN

So với những quy định trước đây, Nghị định 57/2018/NĐ-CP có nhiều cơ chế và chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động; giá thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án và không phải chuyển sang thuê đất đối với diện tích đất nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Hay về tín dụng, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Theo đó, mức hỗ trợ: bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại (tối đa 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư). Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm…

Ngoài ra còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác trong nhiều lĩnh vực như: phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, bảo quản và chế biến hàng nông sản, đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp - nông thôn…

Để Nghị định 57/2018/NĐ-CP sớm đi vào cuộc sống và doanh nghiệp của tỉnh tranh thủ, hưởng lợi được các cơ chế, chính sách ưu đãi từ Nghị định này, đồng thời phát huy vai trò, sức mạnh của các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và địa phương. Trong đó, cần tập trung làm tốt công tác tái cơ cấu sản xuất và tổ chức lại bộ máy, xây dựng các hợp tác xã kiểu mới gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và liên kết có hiệu quả với doanh nghiệp.

LƯ TRUNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.