Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn: Còn những khó khăn

Thứ Sáu, 26/07/2019 | 15:50

Với thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp nên việc huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp - nông thôn (NN-NT) của tỉnh là rất cần thiết. Trong đó, phát huy vai trò của doanh nghiệp được xem là “đòn bẩy” để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từ sản xuất nông nghiệp.

Thương lái thu mua lúa của nông dân huyện Phước Long. Ảnh: L.D

Xác định tầm quan trọng và vai trò có ý nghĩa đặc biệt của doanh nghiệp cho phát triển NN-NT, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đó là Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT; Nghị định 116/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55; Nghị định 109 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định 01 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Nghị định 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN-NT…

Để cụ thể hóa các chính sách này, Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển NN-NT. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp vào lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài lĩnh vực sản xuất thu hút doanh nghiệp tham gia chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, các lĩnh vực khác (như: đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ, hạ tầng giao thông, thủy lợi hay các trung tâm tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm) thì gần như không có. Đặc biệt, ở vùng sản xuất Bắc Quốc lộ 1A ngoài nhà máy chế biến lương thực Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) có vốn đầu tư lớn, thì trong 10 năm qua chưa thu hút được dự án động lực nào.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, vốn đầu tư cho phát triển NN-NT giai đoạn 2016 - 2018 là không lớn. Cụ thể, dư nợ cho vay đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chỉ trên 44.573 tỷ đồng. Hay trong thu hút đầu tư, trong 3 năm qua chỉ thu hút 11 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 327 tỷ đồng (gồm nhiều ngành nghề như: xây dựng nhà máy chế biến nông sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ cơ khí sửa chữa tàu thuyền…).

Nguyên nhân chính làm cho các chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển NN-NT chưa được phát huy là do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhiều đường giao thông chính ở không ít địa phương bị hạn chế về tải trọng, gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí. Đơn cử như trục đường giao thông kết nối với trung tâm hành chính, vùng nguyên liệu của huyện Đông Hải, huyện Hồng Dân đến nay vẫn chưa thông suốt.

Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng khi triển khai vào thực tiễn lại gặp vướng mắc, nhất là các chính sách về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng. Thêm vào đó, năng lực tài chính của các doanh nghiệp địa phương còn hạn chế nên chưa đủ nguồn lực vực dậy các thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, mà chỉ hoạt động dưới dạng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Ngoài ra, xét về vị trí địa lý, do Bạc Liêu nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, kết nối giao thương bị hạn chế nên cũng khó thu hút các dự án động lực cho phát triển NN-NT…

Mặc dù việc thu hút doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhưng so với trước đây, các chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Đơn cử như Nghị định 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN-NT với hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm tiền sử dụng đất; tiếp cận và hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường…

Về hỗ trợ tín dụng, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào NN-NT được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành; thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại tối đa 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất đến 8 năm…

Tuy nhiên, để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào phát triển NN-NT, cùng với thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tỉnh cũng cần ban hành thêm các chính sách, cơ chế đặc thù và huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, giao thông ở vùng nông thôn.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.