Phát triển thương mại nông thôn: Cần xây dựng các chợ đầu mối

Thứ Sáu, 25/05/2018 | 16:44

Năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện hơn 51.300 tỷ đồng, đạt 101,6% kế hoạch và tăng 13,25% so với cùng kỳ. Đạt được kết quả trên là có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống thương mại nông thôn. Tuy nhiên, tiềm năng này đến nay vẫn chưa được khai thác tốt.

Mua bán thực phẩm tươi sống tại Trung tâm thương mại Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Ảnh: T.A

Hiện nay, ở 7 huyện, thị xã,  thành phố trong tỉnh đều xây dựng các trung tâm thương mại với chức năng là chợ điểm. Bên cạnh đó, thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, các xã cũng đã xây thêm 16 chợ nông thôn. Khu vực nông thôn với gần 90% dân số sinh sống, sản xuất nên sức mua rất dồi dào và trở thành thị trường chính trong tiêu thụ hàng hóa.

Trong tháng 5/2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường nội địa đạt hơn 4.301 tỷ đồng, nâng tổng mức trong 5 tháng đầu năm ước đạt trên 20.991 tỷ đồng, bằng 36,83% kế hoạch và tăng 13,83% so với cùng kỳ. Song, việc phát triển và khai thác thế mạnh về thương mại ở các chợ nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các chợ chỉ dừng ở phạm vi mua bán phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày chứ chưa phát huy hết các thế mạnh vốn có, chưa trở thành trung tâm đầu mối về phân phối, tiêu thụ hàng hóa với số lượng lớn như: Trung tâm thương mại Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), Trung tâm thương mại huyện Phước Long, Trung tâm thương mại Hộ Phòng (TX. Giá Rai) và nhiều chợ điểm khác.

Xuất phát từ việc thiếu khai thác và tận dụng lợi thế chợ đầu mối nên hoạt động của các trung tâm thương mại vẫn còn duy trì hình thức mua bán theo kiểu chợ nhóm (chủ yếu vào buổi sáng). Trong khi đó, nhu cầu thu mua hàng nông, thủy sản trực tiếp để giảm các khoản phí trung gian là rất lớn. Cụ thể, trong sản xuất tôm nguyên liệu, lúa gạo, rau màu và các loại thủy sản khác, gần như đầu ra đều lệ thuộc từ các thương lái đi thu gom chứ chưa hình thành các chợ điểm mang tính đầu mối để nông dân liên kết trong thu hoạch và tiêu thụ. Sự lệ thuộc thương lái đã làm cho giá thu mua bị chèn ép, bởi nếu nông dân không bán cho thương lái thì không biết bán cho ai!...

Tồn tại những bất cập này là ngoài việc thiếu sự đầu tư của doanh nghiệp, các địa phương cũng chưa làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức và khuyến khích phát triển thương mại nông thôn. Hiện nay, nhiều chợ còn xuống cấp nghiêm trọng và chưa có vốn để đầu tư.

Theo Sở Công thương, việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ chủ yếu là thực hiện xã hội hóa và gặp rất nhiều khó khăn. Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ vốn để lập quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh và lập dự án đầu tư một số chợ trọng điểm (chủ yếu là chợ đầu mối loại 1, loại 2), còn các huyện thì tự cân đối để đầu tư cải tạo, nâng cấp…

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn đến năm 2020. Trong đó, đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, các hoạt động dịch vụ và phương thức kinh doanh. Qua đó định hướng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ở địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo tiền đề để chủ động hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế ở địa bàn nông thôn…

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 hơn 7%, Bạc Liêu cần đẩy mạnh đầu tư và phát triển thương mại nông thôn, đặc biệt là làm tốt công tác thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng các chợ đầu mối để phân phối, tiêu thụ hàng nông, thủy sản.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.