Phát triển kinh tế hợp tác - hợp tác xã: Vì một nền sản xuất phát triển bền vững

Thứ Hai, 07/09/2020 | 16:36

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc phát triển mạnh các mô hình kinh tế hợp tác - hợp tác xã (KTHT-HTX) đóng vai trò quan trọng cho phát triển bền vững. Với thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, việc liên kết để tạo ra hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao đối với Bạc Liêu lại cần thiết hơn bao giờ hết.

Ký kết bao tiêu lúa gạo và thủy sản giữa doanh nghiệp và các HTX trên địa bàn tỉnh.

NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Để khuyến khích việc thành lập và phát triển KTHT-HTX, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực, chương trình đầu tư cho các HTX, nhất là HTX sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Một trong những chính sách hỗ trợ đó là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Để thực hiện tốt chính sách này, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh phân bổ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho 14 HTX. 

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành 5 trụ sở cho 5 HTX tham gia mô hình thí điểm (HTX Quyết Tiến - huyện Phước Long; HTX Thí Điểm và Thành Công - huyện Hồng Dân; HTX Thanh Sơn và Vĩnh Cường - huyện Hòa Bình);  công trình hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất cho HTX Artemia; công trình nhà máy phát điện biogas cho HTX Kinh Tế Xanh, với tổng vốn hỗ trợ gần 3,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn vốn ngân sách và lồng ghép các chương trình, dự án khác, các địa phương còn hỗ trợ các HTX xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ tốt cho phát triển sản xuất. Như huyện Hòa Bình đã thực hiện nạo vét các tuyến kênh, sửa chữa 7 cây cầu với kinh phí 245 triệu đồng; cải tạo, nâng cấp một tuyến đường giao thông nông thôn 4km phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và giao thương của HTX Vĩnh Cường. Ngoài ra, các địa phương khác đã thực hiện đầu tư xây dựng 37 hệ thống công trình thủy lợi (trạm bơm nước, cống, kênh) trên các ô đê bao khép kín, với tổng vốn đầu tư trên 50,2 tỷ đồng.

Cùng với chính sách hỗ trợ về hạ tầng, các ngành, địa phương còn hỗ trợ các HTX trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Cụ thể ngành Nông nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và các HTX, khuyến khích phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện để doanh nghiệp và HTX gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi và tiến đến ký kết các hợp đồng hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ…

Đến nay, Bạc Liêu đã có 6 HTX được hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm do HTX sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ như: nhãn hiệu tập thể “Mắm cá trắm cỏ Hồng Dân” của HTX Nuôi trồng thủy sản Thống Nhất II; nhãn hiệu “Thành Đạt” đối với dịch vụ cung ứng nuôi trồng thủy sản và thu mua, tiêu thụ tôm nguyên liệu của HTX Thành Đạt; nhãn hiệu “Thành Lợi” đối với dịch vụ, mua bán vật tư nông nghiệp của HTX Thành Lợi; nhãn hiệu “TP” của HTX Nông nghiệp Hồng Dân; nhãn hiệu “Vĩnh Cường” của HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường; nhãn hiệu “Rau cần nước Phước Long” của HTX 8/3 Vĩnh Thanh…

Đặc biệt, các HTX nông nghiệp được ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân và các địa phương hỗ trợ nhiều dự án, mô hình trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất như: Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam”, dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam”, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất muối chất lượng cao”, dự án “Mô hình nuôi Artemia trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”, mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn kết ô đê bao khép kín...

Song song đó, ngành chức năng cũng tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến như: kỹ thuật nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, công nghệ cao; kỹ thuật sản xuất lúa cải tiến SRI; kỹ thuật sản xuất muối chất lượng cao; kỹ thuật nuôi Artemia theo hướng công nghiệp cho năng suất cao, ổn định, hạn chế rủi ro dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phối hợp với một số công ty, doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới và hỗ trợ sử dụng các vật tư cho thành viên các HTX…

Nguồn lợi thủy sản bị khai thác theo kiểu tận diệt do các HTX nuôi nghêu ven biển thiếu mô hình quản lý và phát huy nguồn lợi. Trong ảnh: Khai thác nghêu giống khu vực biển Bạc Liêu. Ảnh: K.T

VẪN CÒN GẶP KHÓ

Phải thừa nhận rằng, công tác hỗ trợ và đầu tư nhiều chương trình, dự án cho phát triển KTHT-HTX tuy được triển khai nhưng hiệu quả mang lại chưa nhiều. Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX nông nghiệp năm 2019 cho thấy, lợi nhuận sau thuế khoảng 7,1 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân của người lao động chỉ 40,18 triệu đồng/người/năm.

Riêng kết quả phân loại, đánh giá HTX nông nghiệp năm 2019 chỉ có 91 HTX được xếp loại: loại tốt 10 HTX (chiếm 10,98% được đánh giá), loại khá 22 HTX (chiếm 24,17% được đánh giá), loại trung bình 27 HTX (chiếm 26,37% được đánh giá), loại yếu 32 HTX (chiếm 38,48% HTX được đánh giá) và không xếp loại 29 HTX do thành lập chưa đủ 12 tháng.

Khảo sát thực trạng hoạt động của mô hình HTX cho thấy, phần lớn các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Một trong những khó khăn đó chính là mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp, nhưng phần lớn các HTX chưa tiếp cận, hoặc tiếp cận chưa đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước (do nguồn lực thực hiện cơ chế, chính sách chủ yếu từ ngân sách, rất hạn chế); chưa vận động được các nguồn lực ngoài ngân sách hỗ trợ cho HTX. Đơn cử như trong tiếp cận các chương trình tín dụng, hầu hết các HTX đều gặp khó. Theo ông Huỳnh Mừng Em, Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Tiến (huyện Hòa Bình): “Ở vụ mùa vừa qua, HTX bị thiệt hại gần 20 tỷ đồng nên cần vốn để đầu tư cho phát triển sản xuất. Tuy nhiên, HTX rất khó tiếp cận các chương trình tín dụng, vì HTX không có tài sản thế chấp và các thành viên của HTX chiếm phần lớn là hộ nghèo”.

Một nguyên nhân cơ bản khác cũng quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp chính là trình độ và năng lực quản lý. Qua thống kê cho thấy, tổng số cán bộ quản lý các HTX nông nghiệp là hơn 710 người. Trong đó, cán bộ HTX đạt trình độ sơ, trung cấp: 81 người, chiếm 11,3%; cán bộ HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học: 110 người, chiếm 15,4%; cán bộ đã qua đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, điều hành HTX có 173 người, chiếm 24,22% và số còn lại chiếm trên 50% là không qua đào tạo. Trong khi hoạt động của các HTX hiện nay giống như mô hình của doanh nghiệp và cần bộ máy có trình độ quản trị cao, biết nhạy bén nắm bắt thị trường, chủ động tạo ra sản phẩm cạnh tranh và xem lợi nhuận, hiệu quả kinh tế làm yếu tố quyết định.

Điển hình như HTX Artemia Vĩnh Châu được đánh giá là HTX tiên tiến với mô hình quản trị hiệu quả. Theo ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HĐQT HTX Artemia Vĩnh Châu (TP. Bạc Liêu): “Một trong những bài học thành công của HTX chính là HTX phải có chiến lược cho phát triển, nhất là chăm lo phát triển nguồn nhân lực và có chính sách đào tạo, nâng cao trình độ cho bộ máy quản lý, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Với mô hình quản trị năng động, nắm bắt thị trường và quảng bá thương hiệu, đến nay HTX đã xuất hàng sang nhiều nước trên thế giới và mang lại doanh thu hơn 40 tỷ đồng/năm”.

Cùng với yếu tố về quản trị, một khó khăn khác cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các HTX là phần lớn các HTX nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, nguồn lực hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ cao rất ít, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác hàng hóa; khả năng huy động vốn từ thành viên rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Do đó, lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho các thành viên chưa nhiều nên chưa khuyến khích được nông dân tham gia. Trong khi đó, với quy mô nhỏ, các HTX rất khó liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp cần lượng hàng hóa lớn, sản xuất với chất lượng đồng nhất…

Xuất phát từ nguyên nhân này nên các HTX chậm phát triển, đặc biệt là hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn theo mô hình cánh đồng lớn. Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT HTX Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình) cho rằng: “Muốn các HTX phát triển và xây dựng ngày càng nhiều các mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm thì cần làm thay đổi nhận thức, tư duy của người nông dân. Nông dân tham gia vào HTX để sản xuất hàng hóa lớn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chứ không phải tham gia vào các HTX để trông chờ các chính sách hỗ trợ”.

Để phát triển KTHT-HTX trong tình hình hiện nay, rất cần một “cú hích” gắn với xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng bộ máy quản trị chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển và chủ động hội nhập phải được xem là giải pháp ưu tiên. Đây chính là nhu cầu cho một nền nông nghiệp sản xuất bền vững mà mô hình KTHT-HTX phải là tiên phong.

KIM TRUNG

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung: Lo cho các HTX cũng chính là lo cho người nông dân

Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, việc phát triển các HTX và nông dân tham gia vào các HTX là tất yếu. Bởi đây là mô hình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa lớn.

Khi các HTX đủ lớn và đủ mạnh cũng đồng nghĩa với việc các HTX đã làm chủ cuộc chơi mà cụ thể là khi tạo ra sản lượng lớn, các HTX sẽ làm chủ về thị trường và tự định giá cho hàng hóa của mình. Đồng thời các HTX sẽ giảm sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp cung ứng đầu tư đầu vào lẫn đầu ra.

Xuất phát từ tầm quan trọng của KTHT-HTX, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ngành phải quan tâm và tạo mọi điều kiện cho phát triển KTHT-HTX. Phải xác định lo cho các HTX cũng chính là lo cho người nông dân. Bên cạnh đó, không ngừng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy quản trị, điều hành của các HTX.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Tập trung củng cố, nâng chất hoạt động của các HTX

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX nông nghiệp làm khâu đột phá thì cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tập trung củng cố, nâng chất tổ chức và hiệu quả hoạt động của các HTX hiện có, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc, quy định của pháp luật.

Tạo điều kiện hỗ trợ các HTX mở rộng kinh doanh đa ngành, đa nghề (vừa làm dịch vụ nông nghiệp, vừa phát triển chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các loại hình dịch vụ thương mại và đời sống khác…) theo nhu cầu chung, mang lại lợi ích thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên. Thực hiện tốt công tác vận động phát triển thành viên (là những hộ nông dân đang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, việc làm của HTX, các tổ chức kinh tế có quan hệ hợp tác với HTX), nguyên tắc góp vốn, nâng cao mức vốn góp, tích lũy lợi nhuận để mở rộng quy mô đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh dịch vụ.

Vận động các tổ hợp tác hoạt động khá nâng lên thành HTX. Chú trọng xây dựng, phát triển các HTX, Liên hiệp HTX đầu tư khoa học - kỹ thuật phát triển theo chiều sâu như: sản xuất tôm công nghệ cao, chuyên trồng lúa sạch, rau sạch, muối trải bạt, chế biến nông sản thực phẩm, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị cao khác…

Phát triển các HTX đánh bắt, chế biến thủy sản nơi có nghề cá tập trung, người dân có tay nghề cao, có vốn, có điều kiện về bến bãi. Xây dựng  HTX, Liên hiệp HTX sản xuất, dịch vụ (vừa hợp tác sản xuất, vừa hợp tác dịch vụ) với nhiều hình thức và sở hữu khác nhau.

Thúc đẩy, tạo điều kiện thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa HTX với HTX, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác; hợp nhất các HTX có quy mô nhỏ thành các HTX theo ngành nghề hoặc địa bàn có quy mô, năng lực cao hơn; tiếp tục phát triển “HTX đầu đàn” cả về quy mô, sản phẩm chủ lực và công nghệ để dẫn dắt các HTX cùng ngành nghề, tiến tới phát triển các Liên hiệp HTX. Đồng thời, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho HTX phát triển.

Các ngành chức năng tỉnh phối hợp với Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 2 - 3 mô hình HTX, Liên hiệp HTX thí điểm lĩnh vực nông nghiệp làm ăn hiệu quả, phát triển bền vững; cũng như quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền trong phát triển KTHT-HTX.

K.T (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.