Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Gắn quy hoạch với phát huy tiềm năng, thế mạnh

Thứ Tư, 06/11/2019 | 14:44

Từ năm 2011, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 03 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; và tiếp đó là Kết luận số 64 năm 2017 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về tiếp tục đẩy mạnh phát CN-TTCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Qua đó cho thấy, việc phát triển CN-TTCN có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đã trở thành mục tiêu, nhiệm vụ được BCH Đảng bộ tỉnh chú trọng.

KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển CN-TTCN, trong 2 nhiệm kỳ qua, BCH Đảng bộ tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và đưa hoạt động sản xuất CN-TTCN đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điểm lại các chỉ số phát triển công nghiệp qua nhiều năm cho thấy, phần lớn các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nếu năm 2016, chỉ số công nghiệp tăng 8,59%, thì đến năm 2017 tăng 8,92%, năm 2018 tăng hơn 12% và ước đến cuối năm 2019 sẽ tăng gần 13%.

Đạt được những kết quả quan trọng trên là do những năm gần đây Bạc Liêu thu hút nhiều dự án động lực; sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất CN-TTCN được đầu tư, nâng chất. Đơn cử như trong 10 tháng của năm 2019, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Đó là sản lượng chế biến thủy sản đông lạnh đạt hơn 72.137 tấn, bằng 82,95% kế hoạch, tăng 14,09% so với cùng kỳ; điện thương phẩm đạt 877,44 triệu kwh, bằng 82% kế hoạch, tăng 8,16% so với cùng kỳ; điện gió đạt trên 181 triệu kwh, bằng 84,41% kế hoạch, tăng 1,06% so với cùng kỳ; dệt may đạt 14,78 triệu sản phẩm, bằng 73,90% kế hoạch, tăng 17,96% so với cùng kỳ; bao bì các loại đạt 22,15 triệu cái, bằng 85,19% kế hoạch, tăng 12,95% so với cùng kỳ...

Để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đến nay, tỉnh đã cơ bản xây dựng xong hạ tầng Khu công nghiệp Trà Kha, còn Khu công nghiệp Láng Trâm cũng đã được bổ sung vào hệ thống khu công nghiệp quốc gia. Đồng thời phê duyệt quy hoạch chi tiết 3 cụm công nghiệp Vĩnh Mỹ (huyện Hòa Bình), Chủ Chí (huyện Phước Long) và Vĩnh Lợi (huyện Vĩnh Lợi). Hiện đã hoàn thiện thủ tục pháp lý để thành lập các cụm công nghiệp này theo quy định của Nhà nước và chờ hỗ trợ vốn từ Trung ương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Công nhân lao động tại Nhà máy bao bì dầu khí - Khu công nghiệp Trà Kha (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

CẦN LÀM TỐT CÔNG TÁC QUY HOẠCH

Thực tế cho thấy, phát triển CN-TTCN trong thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế dẫn đến chưa khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có. Một trong những bất cập ấy là ngoài phát triển công nghiệp chế biến con tôm xuất khẩu, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản hay các sản phẩm công nghiệp khác phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng gần như chưa có; cũng như chưa đầu tư nâng chất và phát huy tiềm năng từ nhiều mặt hàng thế mạnh.

Bạc Liêu được xem là “mỏ tôm” của khu vực ĐBSCL và nghề nuôi tôm chính là hoạt động kinh tế chủ lực. Thế nhưng, ngoài Công ty Cổ phần thức ăn thủy sản TOMKING (phường 8, TP. Bạc Liêu), đến nay toàn tỉnh chưa xây dựng được nhà máy chế biến thức ăn hay thuốc thú y thủy sản có quy mô lớn để phục vụ cho nuôi tôm. Do vậy, hơn 90% vật tư nông nghiệp phục vụ cho nuôi tôm đều phải nhập từ nước ngoài hoặc các tỉnh khác. Hay trong chế biến các mặt hàng thủy sản, ngoài con tôm thì phần lớn các loại thủy sản khác của tỉnh (như cá biển, tôm, mực…) đều xuất thô sang các tỉnh, và các tỉnh tiếp tục chế biến, đóng gói đưa vào siêu thị.

Vấn đề đặt ra là Bạc Liêu có phát triển được công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản? Câu trả lời là hoàn toàn thực hiện được nếu ngành quản lý làm tốt công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất. Bởi, hiện nay, vấn đề quy hoạch chưa được ngành quản lý quan tâm. Bằng chứng là các nhà máy chế biến tôm đông lạnh liên tiếp mọc lên dọc theo tuyến Quốc lộ 1A; thậm chí nhiều doanh nghiệp của tỉnh xây dựng nhà máy, khu chế xuất cho thương lái Trung Quốc thuê để sản xuất. Việc phát triển “nóng” và thiếu định hướng này gây nên cảnh tranh mua, giành bán nguồn tôm nguyên liệu. Nhà máy xây dựng nhiều nhưng không chạy hết công suất, gây lãng phí vốn đầu tư và tạo áp lực cho môi trường…

Từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, phát triển CN-TTCN sẽ là trọng tâm vì gắn với thực hiện “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, bài toán quy hoạch và tổ chức lại sản xuất gắn với tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, hướng đến phát triền bền vững là vấn đề cần được ngành quản lý quan tâm. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.