Sổ tay kinh tế

Phát triển công nghiệp năm 2021: Cần ưu tiên cho​ công nghiệp chế biến

Thứ Tư, 27/01/2021 | 14:43

Năm qua, tuy ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao với 7,53%. Có được kết quả đó là nhờ vào các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn nỗ lực duy trì hoạt động và nhạy bén trong khai thác thị trường tiêu thụ.

Sản xuất công nghiệp tuy giữ vững tăng trưởng, nhưng nhìn một cách tổng thể thì sự phát triển này còn chưa toàn diện và chủ yếu tập trung vào các thế mạnh sẵn có lâu nay. Như thủy sản đông lạnh đạt hơn 97.500 tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ; điện thương phẩm đạt 1.100 triệu kWh, tăng 5,08%; điện mặt trời đạt 3,37 triệu kWp, đạt 612,73% kế hoạch, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ; dệt may đạt 22 triệu sản phẩm, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,39% so với cùng kỳ...

Nông dân TP. Bạc Liêu vận chuyển thức ăn phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: L.D

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, tăng trưởng của ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào chế biến tôm xuất khẩu. Đặc biệt là ngành Điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi các dự án điện đã và đang được triển khai xây dựng. Riêng năm qua, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (giai đoạn 1 và 2) đang vận hành, với tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới dự kiến đến cuối năm 2020 đạt trên 1,2 tỷ kWh. Cùng với 9 dự án điện gió với tổng công suất 562MW đang được các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công cả trên biển lẫn trên bờ, dự kiến hoàn thành đóng điện trước tháng 11/2021 sẽ góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo, nhất là Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200MW thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu sẽ đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng của vùng và cả nước.

Vấn đề cần quan tâm ở đây là ngoài các dự án năng lượng thì Bạc Liêu cần có ngay chiến lược cho phát triển công nghiệp mà trọng tâm là công nghiệp chế biến phục vụ cho mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm công nghiệp của cả nước.

Quan tâm đến vấn đề này, vì thời gian qua công nghiệp chế biến tại Bạc Liêu còn yếu và thiếu. Bởi ngoài chế biến con tôm xuất khẩu thì gần như chưa khai thác được gì, trong khi Bạc Liêu vốn rất giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến. Cụ thể, với thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, Bạc Liêu đã tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển công nghiệp chế biến thức ăn phục vụ cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nhất là trong nuôi tôm. Thế nhưng, chiếm gần 90% thức ăn chăn nuôi mà người nông dân đang sử dụng đều phải nhập từ các công ty trong, ngoài nước?! Chính sự lệ thuộc này đã làm giảm lợi nhuận của nông dân và bản thân họ trở nên bị chi phối bởi các công ty nước ngoài, đặc biệt là thức ăn phục vụ cho phát triển nuôi tôm. Trong khi thức ăn chiếm khoảng 70% chi phí sản xuất trong nuôi tôm?! Bạc Liêu với mục tiêu xây dựng trở thành thủ phủ ngành tôm công nghiệp thì không thể để sự phụ thuộc này kéo dài và đây cũng là nhu cầu tất yếu trong việc xây dựng thành công chuỗi liên kết mang lại giá trị cao.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.